Rau sạch Tiền Lệ an toàn từ đồng ruộng

Bạch Thanh| 14/07/2019 08:00

(HNM) - Được sự hỗ trợ tích cực từ ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, những năm qua, vùng rau sạch Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) ngày càng mở rộng, trồng theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, chuỗi PGS... được nhiều người tiêu dùng tin cậy.

Sản xuất rau an toàn ở Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức).

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào cho biết, hợp tác xã có truyền thống sản xuất rau lâu đời. Cả thôn có 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33,5ha đất trồng các loại rau: Cải canh, cải ngọt, cải chíp, rau dền, rau muống... Từ năm 2007, địa phương đã được huyện Hoài Đức và ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với hơn 2,5ha; đồng thời, có kỹ sư về tận địa phương hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Tất cả các hộ tham gia đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch sản phẩm đúng cách.

Từ đó đến nay, để sản xuất được rau sạch, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ luôn tuân thủ theo quy định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội: Sử dụng các loại phân bón trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc các loại phân hữu cơ đã ủ hoai mục; sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng các nguồn nước ô nhiễm (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi gia súc, nước ao tù...). Nông dân tích cực áp dụng triệt để chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nông dân có trách nhiệm thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định (để vào thùng, bể chứa vỏ bao bì); tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch cũng được thu gom sạch sẽ.

Theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức Đặng Thị Thu Thủy, qua nhiều năm tập huấn, hướng dẫn, nông dân trồng rau ở Tiền Lệ đã có những kỹ năng, kỷ luật lao động nhất định. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn thường xuyên tập huấn, hỗ trợ nông dân đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để ngày càng nâng cao chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trạm đã hỗ trợ địa phương thành lập và duy trì các nhóm nông dân sản xuất rau an toàn quản lý theo hình thức áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) trên địa bàn xã với 500 hộ.

Các nhóm PGS đều được trạm phân công cán bộ phụ trách, tham gia hướng dẫn cụ thể như tập huấn ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên họp, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; cấp phát tờ rơi, sổ nhật ký ghi chép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; lấy mẫu rau đi phân tích... Cụ thể, đơn vị chức năng đã lấy 20 mẫu rau để kiểm nghiệm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Bút - liên nhóm trưởng phụ trách chung vùng rau an toàn Tiền Lệ cho biết: "Do áp dụng nghiêm ngặt các quy định nên rau sạch Tiền Lệ dần khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng biết đến và tin cậy. Rau của hợp tác xã đang được 5 công ty trực tiếp về thu mua tại vườn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn những khó khăn, tồn tại như ý thức của một bộ phận nông dân trong việc thực hiện các quy định về sản xuất rau an toàn, áp dụng các biện pháp giảm thiểu nguy cơ độc hại của thuốc trong cộng đồng còn hạn chế; nông dân chưa được trang bị đầy đủ đồ phòng hộ khi phun thuốc, vứt vỏ bao bì bừa bãi tại đầu nguồn nước, tỷ lệ ghi chép sổ nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đạt 100%.

Đối với khâu tiêu thụ, hiện số doanh nghiệp và lượng rau tiêu thụ vẫn còn rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch rau hằng ngày của nông dân trong vùng (trung bình mới đạt 3 tấn/ngày). Do đó, để vùng rau an toàn Tiền Lệ phát triển hơn nữa, rất cần ngành Nông nghiệp, trực tiếp là đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, trồng trọt tại địa phương tiếp tục duy trì mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi PGS; đồng thời, quan tâm đến khâu tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho nông sản nhằm kích cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rau sạch Tiền Lệ an toàn từ đồng ruộng