Huyện Ứng Hòa: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản an toàn

Bạch Thanh| 03/07/2019 11:51

(HNM) - Trong những năm qua, huyện Ứng Hòa đã tích cực chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn theo các quy chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, để nông sản đạt giá trị cao, phát triển bền vững, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện kết nối với các đơn vị tiêu thụ nông sản an toàn.

Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Hồng Quang) Cao Thị Thủy cho hay, từ năm 2018, hợp tác xã đã tập trung tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa J02 cho nông dân trên địa bàn. Ngoài việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, hợp tác xã cũng đẩy mạnh khâu tiêu thụ trong nước thông qua việc chào hàng tới các siêu thị, cửa hàng tiện ích… Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gạo an toàn của hợp tác xã còn rất hạn chế, sản lượng tiêu thụ chỉ khoảng 20-30 tấn/tháng, trong khi sản lượng thu mua trong dân của hợp tác xã khoảng 300 tấn/tháng.

Tương tự, ông Bùi Văn Trung ở thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang (chủ mô hình trồng dưa lưới nhà kính, quy mô 7.000m2 ứng dụng công nghệ cao) chia sẻ, tuy mô hình dưa bảo đảm chất lượng nhưng đến nay chưa ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với doanh nghiệp, hợp tác xã... Nếu ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, gia đình ông sẽ mở rộng quy mô.

Còn ông Đặng Văn Quý ở thôn Triều Khê, xã Đội Bình, một trong những hộ nuôi cá rô đầu vuông đề nghị: “Từ năm 2015, nhóm hộ chúng tôi đã lai tạo cá rô đồng với cá rô đầu vuông thành công, chất lượng tốt, sản lượng mỗi năm đạt hơn một trăm tấn. Chúng tôi đã tìm đến các siêu thị, cửa hàng… để chào hàng nhưng những đơn vị này chưa hợp tác. Hiện 100% sản phẩm cá rô an toàn của địa phương vẫn phải bán qua thương lái. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân tiêu thụ đầu ra đối với sản phẩm thủy sản này”.

Câu chuyện của của ông Đặng Văn Quý, ông Bùi Văn Trung… là băn khoăn chung của rất nhiều nông dân sản xuất nông sản an toàn trên quy mô lớn trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Thực tế, việc liên kết sản xuất, kết nối cung - cầu theo chuỗi giá trị ở huyện Ứng Hòa vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, toàn huyện hiện có hơn 13.000ha đất canh tác nông nghiệp. Ngoài những chính sách chung của Trung ương và thành phố hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển, huyện Ứng Hòa đã có nhiều cơ chế đặc biệt như: Hỗ trợ thuê đất lâu dài, cho vay vốn, hỗ trợ giống cây, con... để thực hiện các mô hình sản xuất rau, củ, quả và chăn nuôi theo hướng an toàn, công nghệ cao. Tuy nhiên, việc kết nối bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng; khâu tiêu thụ vẫn "mạnh ai, nấy bán", sản phẩm chủ yếu bán cho người dân địa phương và các chợ đầu mối nên giá trị không cao. 

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, huyện Ứng Hòa đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn đặc trưng của huyện như: Gạo khu Cháy, vịt cỏ Vân Đình...; đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản mới như dưa lưới công nghệ cao, rau công nghệ cao, đặc sản cá rô đầu vuông…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, điểm yếu nhất trong tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân trên địa bàn huyện hiện nay là khâu kết nối giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ. Do đó, thời gian tới, ngoài hỗ trợ, kết nối nông dân tham gia các chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn của thành phố và Bộ NN&PTNT, Ứng Hòa đang tích cực xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn ngay tại địa phương, như: Chợ thủy sản ở khu vực khu Cháy, chợ nông sản an toàn tại khu vực trung tâm thị trấn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ứng Hòa: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản an toàn