Nuôi dê núi ở Tuy Lai

Nguyễn Mai| 23/06/2019 08:54

(HNM) - Ở xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), mô hình chăn nuôi dê núi đã khẳng định hiệu quả bền vững, giúp nhiều hộ dân làm giàu. Khai thác lợi thế, xã Tuy Lai tiếp tục vận động, hỗ trợ nhân rộng mô hình này.

(HNM) - Ở xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), mô hình chăn nuôi dê núi đã khẳng định hiệu quả bền vững, giúp nhiều hộ dân làm giàu. Khai thác lợi thế, xã Tuy Lai tiếp tục vận động, hỗ trợ nhân rộng mô hình này.

Nhắc đến nghề nuôi dê ở địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lai Nguyễn Duy Giáp vui mừng cho biết, dù mới “bén duyên” với mảnh đất Tuy Lai nhưng dê núi đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân.

Tại khu vực núi Nách Hang Trâu, thôn Quýt Ba, đàn dê của hộ ông Mai Văn Nhã với hơn 100 con đang nhẩn nha ăn lá trên sườn núi. “Quả núi này gia đình tôi nhận thầu khoán, vừa trông nom rừng cho Nhà nước, vừa nuôi dê, gà, bò dưới tán rừng. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi vài con dê nhưng chúng sinh sản rất nhanh. Dê cái 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con nên chỉ trong vài năm, đàn dê của gia đình đã lên tới 50 con, rồi 100 con, có lúc cao điểm, đàn dê lên tới 200 con” - ông Nhã chia sẻ.

Cũng ở khu vực núi đá vôi nằm sâu trong rừng, trại nuôi dê của ông Nguyễn Văn Bản, thôn Giữa Quýt, đang có 200 con. Ông Bản cho biết, gia đình nhận chăm sóc 100ha rừng gồm 2 khu: Hang Côi - Vực Đụn và Rô Gai - Áng Bằng - Vườn hoa… Gia đình ông vừa chăm sóc rừng vừa chăn thả dê và nuôi ong lấy mật. Nuôi dê so với các vật nuôi khác hiệu quả hơn bởi không tốn thức ăn và công chăm sóc, làm chuồng đơn giản. Buổi sáng, thả dê lên núi cho chúng tự leo trèo kiếm ăn, tối dê tự về chuồng. Vào các tháng mùa đông, lá rừng ít, người nuôi cho dê ăn thêm chút cám, uống thêm nước ấm. Dê chủ yếu ăn lá rừng nên chất lượng thịt thơm ngon hơn so với dê ăn cỏ ở đồng bằng. Hiện dê thương phẩm của gia đình ông Bản được thương lái đến tận trại thu mua với giá 150 nghìn đồng/kg. "Cuối năm 2018, gia đình tôi bán được 1,2 tấn dê thương phẩm, thu về khoảng 180 triệu đồng. Dự định cuối năm nay, gia đình bán bớt dê đực, riêng dê cái để lại nuôi sinh sản, mở rộng quy mô chăn nuôi" - ông Bản cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND xã Tuy Lai Bùi Văn Quyền, với diện tích rừng rộng, phù hợp với chăn thả dê, từ năm 1992, xã đã đưa dê về nuôi với mục đích giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Thời gian đầu, khi mới nuôi dê, các hộ cũng gặp không ít khó khăn bởi kiến thức về chăn nuôi chưa có, dê bị dịch bệnh và chết rất nhiều. Quá trình chăn nuôi, thấy dê thường bị các bệnh tụ huyết trùng, bệnh đậu... nên hằng năm, các hộ nuôi dê mua vắc xin của Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ ở thị xã Sơn Tây mang về tiêm phòng cho đàn dê. Nhờ vậy, đàn dê phát triển khỏe mạnh, nhân đàn nhanh. Từ một vài hộ, hiện nay cả xã đã có gần 20 hộ nuôi dê trên núi với số lượng gần 2.000 con, quy mô trung bình 100 con/hộ, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng tiền bán dê thương phẩm. "Giá thịt dê ổn định, chi phí chăn nuôi thấp nên mang lại hiệu quả bền vững hơn những vật nuôi khác. Tuy nhiên, hiện số hộ nuôi dê ở Tuy Lai chưa nhiều, chính vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến khích nông dân nhân rộng đàn dê..." - ông Quyền nói.

“Để hỗ trợ người chăn nuôi, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng; tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân. Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa bị đẩy lùi, chúng tôi vận động các hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi dê. Xã khuyến khích các hộ dân nhân đàn dê núi phục vụ thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, để nghề nuôi dê phát triển bền vững hơn, chúng tôi mong muốn được liên kết với các tổ chức, cá nhân trong xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết để người nuôi dê núi ở Tuy Lai yên tâm hơn trong chăn nuôi dê” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lai Nguyễn Duy Giáp chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi dê núi ở Tuy Lai