Vượt qua khó khăn ở vùng "rốn" lũ

Hưng Thịnh| 19/06/2019 22:10

(NSHN) - Trong khoảng 9 tháng, nhiều gia đình ở vùng "rốn" lũ (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã phải 2 lần chịu cảnh “màn trời, chiếu nước” vì lũ rừng ngang đổ xuống sông Bùi. Không thể nói hết những gian nan, vất vả mà người dân nơi đây đã trải qua khi phải sống chung với lũ…

(NSHN) - Trong khoảng 9 tháng, nhiều gia đình ở vùng "rốn lũ" (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã phải 2 lần chịu cảnh “màn trời, chiếu nước” vì lũ rừng ngang đổ xuống sông Bùi. Không thể nói hết những gian nan, vất vả mà người dân nơi đây đã trải qua khi phải sống chung với lũ.

Vào những ngày tháng sáu này (gần một năm sau đợt ngập lụt do mưa lũ), chúng tôi có dịp trở lại xã Nam Phương Tiến - nơi được coi là  "rốn" lũ của huyện Chương Mỹ.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh phấn khởi: “Vụ lúa xuân năm nay, bà con nông dân Nam Phương Tiến được mùa nhờ gieo cấy giống lúa J02, với năng suất bình quân đạt 61 tạ/ha. Thật mừng, bởi nhờ đó phần nào bù đắp được cho vụ lúa mùa năm ngoái bị thiệt hại nặng nề do nước mưa lũ đổ về sớm”.

Vụ lúa xuân năm nay, người dân vùng "rốn" lũ của huyện Chương Mỹ được mùa.


Ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, năm ngoái, từ ngày 17-7 đến ngày 3-8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, trên địa bàn xã có mưa to đến rất to, rồi lũ rừng ngang từ hai huyện Kim Bôi và Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) dồn về làm tràn đê sông Bùi, gây ngập úng nặng. Thời điểm đó, toàn xã có 839 hộ với 3.714 nhân khẩu nằm trong vùng ngập, trong đó 687 hộ (3.036 nhân khẩu) có nhà ở bị chìm trong nước lũ.

Ngập lụt không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây, mà còn gây thiệt hại về lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo thống kê của xã Nam Phương Tiến, số gia cầm và lợn bị chết gần 46.600 con; hơn 100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70%; thất thu gần 200 ha lúa, rau màu, cây ăn quả; hơn 8,5 km đường giao thông bị hư hại…

Trong 4 thôn của xã Nam Phương Tiến bị ngập do lũ tràn đê sông Bùi năm 2018, thì thôn Nhân Lý bị ngập sâu nhất. Ông Phùng Xuân Lực, Trưởng thôn Nhân Lý bùi ngùi: “Tháng 10-2017 thì vỡ đê sông Bùi, đến giữa tháng 7-2018 thì nước lũ tràn đê. Chỉ trong vòng 9 tháng, thôn Nhân Lý 2 lần chìm sâu trong biển nước. Tuy may mắn không xảy ra thiệt hại về người, nhưng đời sống của bà con trong thôn thì vô cùng vất vả vì phải đi sơ tán… Đáng nói, cả 2 lần nước lũ đổ về đều rơi vào khung thời vụ lúa mùa, nên cả 2 vụ bà con trong thôn đành chịu mất trắng. Bên cạnh đó, hơn 50 hộ trong thôn chuyển đổi sản xuất sang mô hình lúa - cá - vịt, chăn nuôi lợn phải chịu thiệt hại nặng nề sau 2 trận lũ, trong đó nhiều hộ mất đến cả trăm triệu đồng”.

Tìm cách "sống chung với lũ"

Theo ông Phùng Xuân Lực, thôn Nhân Lý có 304 hộ với 1.775 nhân khẩu; tổng diện tích đất canh tác 250 mẫu, trong đó 150 mẫu gieo cấy 2 vụ lúa, còn lại là diện tích đất ao hồ, kênh mương, đồi gò được chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi lợn, lúa - cá - vịt. Đến nay, thu nhập hằng năm của hầu hết các hộ trong thôn chủ yếu vẫn trông vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi mỗi nhân khẩu (sinh năm từ 1993 trở về trước) được nhận 1 sào ruộng canh tác. Bởi vậy, cho dù cần cù, chịu khó canh tác, nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thôn Nhân Lý vẫn còn 20 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo.

Vì là thôn nằm ở cuối xã Nam Phương Tiến, tiếp giáp với đê sông Bùi, nên mỗi lần gặp sự cố vỡ đê hoặc nước lũ tràn đê, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn ở Nhân Lý đều chìm trong biển nước. Rồi đến khi nước rút, Nhân Lý cũng là nơi cạn nước sau cùng trong 8 xã thuộc vùng hữu Bùi của huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang.

“Hằng năm, ngoài 2 vụ lúa, để tăng thêm thu nhập, bà con trong thôn Nhân Lý vẫn canh tác thêm vụ đông với cây trồng chủ yếu như: Ngô, đậu tương, dưa chuột. Nhưng trong hai năm 2017 và 2018, ngoài 2 vụ lúa mùa mất trắng không được thu hoạch, thì cả 2 vụ đông cũng không thể sản xuất vì nước lũ rút chậm, trong đó riêng năm 2018, phải mất đến 45 ngày nước mới rút hoàn toàn khỏi đồng ruộng” - ông Phùng Xuân Lực cho biết.

Vất vả là thế nhưng những người dân sống ở vùng "rốn" lũ của huyện Chương Mỹ, trong đó có người dân thôn Nhân Lý vẫn lạc quan, vượt khó vươn lên, gắn bó với ruộng đồng để “sống chung với lũ”! Hộ ông Đỗ Văn Ky là một trong những hộ đi tiên phong ở thôn Nhân Lý về chuyển đổi sản xuất sang mô hình lúa - cá - vịt. Ông Đỗ Văn Ky cho biết, trước khi địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình ông đã mạnh dạn nhận thầu đất quỹ 2 của xã để chuyển đổi mô hình sản xuất lúa - cá - vịt. Sau khi dồn điền, đổi thửa (năm 2013), trên diện tích gần 1 ha (9.900m2), gia đình ông quy hoạch 8.000m2 để cấy lúa, diện tích còn lại đào ao thả cá và làm chuồng trại nuôi gà, ngan, vịt.

“Từ ngày bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất này, trang trại của gia đình tôi đã 3 lần bị thiệt hại do nước lũ. Chưa tính đợt lụt năm 2008, chỉ 2 đợt ngập lụt xảy ra trong vòng 9 tháng vừa rồi, gia đình tôi mất hơn 150 triệu đồng, dù đã khấu trừ số tiền được nhà nước hỗ trợ. Xót lắm! Bởi trước đó, vào năm 2012, 2013, khi giá gia cầm giảm mạnh, gia đình tôi lỗ gần 1 tỷ đồng. Đang phấn khởi vì chuẩn bị trả nốt số nợ 200 triệu đồng thì xảy ra lũ lụt. Vậy là bao công sức của cả gia đình đều đổ xuống sông, xuống biển” - ông Đỗ Văn Ky bộc bạch.

Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt của hộ gia đình ông Đỗ Văn Ky ở thôn Nhân Lý.


Dẫu vậy, nhưng không ngồi than trời! Cũng như nhiều gia đình sống trong vùng "rốn" lũ của huyện Chương Mỹ, sau khi nước lũ rút, gia đình ông Đỗ Văn Ky bắt tay ngay vào vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngược xuôi vay mượn vốn để đầu tư mua con giống gia cầm về nuôi. Ông Ky cho biết, gia đình ông vừa xuất bán được 1.000 con vịt, 500 con ngan, trừ chi phí lãi được 25 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 3.000 con vịt, 1.000 con ngan, 700 con gà thịt. Cuối tháng 6 này, gia đình ông tiếp tục xuất bán được giá 1.500 con vịt. “Chỉ mong lũ lụt đừng xảy ra. Nếu được như vậy, cần vài ba năm với mô hình sản xuất như hiện nay, gia đình tôi lại có của ăn, của để” - ông Đỗ Văn Ky tự tin.

Chia tay vùng "rốn" lũ Nam Phương Tiến khi bà con đang hối hả cấy lúa mùa, với kế hoạch đề ra hoàn thành trong tháng 6. Ông Phùng Xuân Lực cho biết, cơ cấu giống vụ mùa này là giống lúa ngắn ngày nhằm bảo đảm thời gian cho sản xuất vụ đông. Bà con vùng "rốn" lũ chỉ mong mỏi, năm nay “mưa thuận, gió hòa”, thu hoạch trọn vẹn vụ lúa mùa và vụ đông để đời sống của các gia đình bớt khó khăn.

Cải tạo, nâng cấp đê hữu Bùi đoạn chạy qua xã Nam Phương Tiến sau trận nước lũ tràn đê vào giữa tháng 7-2018


Xác định nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về, nên người dân ở vùng hữu Bùi huyện Chương Mỹ luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó với lũ lụt, vượt lên những khó khăn trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất khi sống trong vùng "rốn" lũ. Mong muốn chung của người dân nơi đây là thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo các tuyến đê, xây dựng các công trình thoát lũ như hệ thống trạm bơm, cầu cống nhằm tránh nước lũ ngập kéo dài trong dân cư, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh đó, bà con ở vùng "rốn" lũ Nam Phương Tiến mong sớm được đầu tư nâng cao cốt đường liên thôn. Có như vậy, khi lũ tràn về, nhân dân có đường thoát lũ; rồi khi phải sống chung với lũ sẽ thuận lợi trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống nhân dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua khó khăn ở vùng "rốn" lũ