Làng nghề chế tác đá Long Châu Miếu thiếu mặt bằng sản xuất

Minh Huệ| 16/06/2019 21:13

(NSHN) - Nhờ duy trì và phát triển nghề mà đời sống của các gia đình trong làng sung túc, khá giả hơn so với các địa phương quanh vùng. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

(NSHN) - Nhờ duy trì và phát triển nghề mà đời sống của các gia đình trong làng sung túc, khá giả hơn so với các địa phương quanh vùng. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Trường, Chủ doanh nghiệp Trường Nguyệt - một trong những cơ sở lớn chuyên điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ ở thôn Long Châu Miếu cho biết, doanh nghiệp của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, bên cạnh đó còn thu hút gần 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Trường, hơn 10 năm trở lại đây, nghề điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ ở thôn Long Châu Miếu phát triển rất mạnh, không chỉ bó hẹp trên địa bàn Hà Nội, làng nghề ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng ở khắp các tỉnh, thành phố… Do đó, nhu cầu về mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất là rất lớn.

Nghề điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ ở thôn Long Châu Miếu giải quyết việc làm cho 300 lao động với mức thu nhập khá.


Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Nguyễn Chí Thuần cho biết, thôn Long Châu Miếu có tổng diện tích đất tự nhiên 60,7 ha, với 300 hộ dân (gần 1.360 nhân khẩu). Hiện nay, có gần 150 hộ, 300/590 lao động chính trong thôn tham gia làm nghề truyền thống điêu khắc, chế tác đồ đá mỹ nghệ. Mỗi năm, doanh thu từ nghề điêu khắc, chế tác đồ đá mỹ nghệ ở Long Châu Miếu đạt hơn 80 tỷ đồng.

Tháng 12-2015, làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với ngành nghề điêu khắc đá, các sản phẩm chế tác đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thuần, đến thời điểm này, mặt bằng sản xuất nghề điêu khắc, chế tác đồ đá mỹ nghệ ở Long Châu Miếu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc sản xuất thiếu tập trung, nhỏ lẻ, nhiều cơ sở còn nằm xen kẽ trong khu dân cư, trên các trục đường giao thông. Hầu hết các xưởng sản xuất lớn đều “bám” vào trục đường quanh chân núi Trầm, xâm phạm khu di tích lịch sử chùa Trầm. Do đó, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường, mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Từ thực tế đó, việc hình thành cụm công nghiệp làng nghề chế tác đá ở Long Châu Miếu là thực sự cần thiết nhằm quy hoạch các hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào một khu vực tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, định hướng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn liền với khai thác tiềm năng du lịch để mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho địa phương. Nhưng việc mở rộng mặt bằng phục vụ phát triển làng nghề điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ ở thôn Long Châu Miếu đang gặp khó khăn thiếu quỹ đất.

Đầu năm 2013, sau khi thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ gia đình, cá nhân ở thôn Long Châu Miếu có diện tích đất nông nghiệp tại khu vực Cấp Tứ đều có nhu cầu chuyển đổi để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh đồ đá mỹ nghệ. Tổng diện tích chuyển đổi theo nhu cầu 10,3 ha, trong đó diện tích đất giao theo Nghị định số 64-CP (ngày 27-9-1993 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp) là 9,4 ha; còn lại là diện tích đất công do UBND xã quản lý, đất giao thông nội đồng, hệ thống mương tiêu thoát nước.

Hầu hết cơ sở sản xuất lớn ở làng nghề Long Châu Miếu đều "bám" vào trục đường dưới chân núi Trầm thuộc khu di tích lịch sử chùa Trầm.


Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, tháng 8-2017, đại diện các hộ làng nghề Long Châu Miếu đã có đơn đề nghị quy hoạch đất làng nghề điêu khắc đá tại khu vực Cấp Tứ. Tuy nhiên, theo văn bản trả lời của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khu vực Cấp Tứ theo quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, có chức năng là đất cơ sở giáo dục đào tạo, không phù hợp với quy hoạch đất cụm công nghiệp. Đến nay, hiện trạng khu đất Cấp Tứ cơ bản vẫn là đất lúa.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đến nay, khu vực này đã có khoảng 28 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 1,8 ha, trong đó có 15 hộ tự ý đổ đất, tập kết đồ đá, 13 hộ đã xây nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương và di chuyển làng nghề Long Châu Miếu ra khỏi quần thể khu du lịch văn hóa tâm kinh chùa Trầm - chùa Trăm Gian, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố điều chỉnh bổ sung khu đất tại khu vực Cấp Tứ cho phù hợp với quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

"Nếu được các sở, ngành và UBND thành phố chấp thuận, UBND huyện Chương Mỹ sẽ mời gọi các doanh nghiệp có khả năng, năng lực tài chính vào đầu tư cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp làng nghề, sau đó sẽ tổ chức di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, truyền nghề và giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân", ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề chế tác đá Long Châu Miếu thiếu mặt bằng sản xuất