Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Ngọc| 16/06/2019 07:54

(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 90.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc 50 dân tộc), chiếm 1,2% dân số thành phố, sinh sống chủ yếu ở 14 xã khu vực miền núi của các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Trong những năm qua, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần mang đến sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 90.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc 50 dân tộc), chiếm 1,2% dân số thành phố, sinh sống chủ yếu ở 14 xã khu vực miền núi của các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Trong những năm qua, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần mang đến sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi thay tích cực

Đến xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi cư trú của hơn 2.000 đồng bào dân tộc Dao, chiếm 98% dân số xã, có thể cảm nhận rõ nét những đổi thay theo hướng tích cực. Sau nhiều năm đứng trước nguy cơ thất truyền, nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam đang hồi sinh, làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Điển hình như gia đình ông Lý Văn Phủ, thôn Yên Sơn, có thu nhập từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm từ nghề truyền thống. Nhiều gia đình nhận được sự hỗ trợ về nhà ở, sản xuất, dần thoát khỏi cảnh nghèo.

Chị Lý Thị Hoa, thôn Hợp Sơn, phấn khởi cho biết: Áp dụng kiến thức thu được qua các lớp tập huấn về chăn nuôi để chăm sóc bò sinh sản, từ một con bò giống được tặng năm 2014, đến nay, gia đình chị đã có cả đàn bò. Cảnh nghèo đã lùi xa...

Tiếp giáp xã Ba Vì, diện mạo nông thôn ở xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), nơi có gần 5.000 đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày… sinh sống, chiếm 55% dân số của xã, cũng đang thay đổi từng ngày. Các tuyến đường được trải nhựa, bê tông hóa nối dài đến từng ngõ, xóm. Trong những nếp nhà, đồng bào các dân tộc vui với niềm vui có nước sạch, trẻ em được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học hành...

Cùng với Ba Vì, Khánh Thượng, cuộc sống no đủ đang hình thành rõ nét ở khu vực miền núi huyện Ba Vì. Theo ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì, đến cuối năm 2018, 7 xã miền núi của huyện chỉ còn hơn 6% hộ nghèo. Với đà giảm này, huyện có thể hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, trừ những hộ không đủ khả năng thoát nghèo.

Tương tự Ba Vì, bức tranh kinh tế - văn hóa - xã hội ở những địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có nhiều gam màu tươi sáng. Điển hình như xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đã được quy hoạch trở thành điểm du lịch; xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đã về đích xây dựng nông thôn mới; xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) chỉ còn 0,43% hộ nghèo...

Tính chung, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố giảm được hơn 2.600 hộ nghèo ở các xã miền núi, dân tộc thiểu số, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm còn 3,7%. “Có được kết quả này là nhờ thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Trong vòng 3 năm gần đây, thành phố đã đầu tư tới 850 tỷ đồng để thực hiện 47 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.

Rút ngắn khoảng cách

Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt ở vùng dân tộc thiểu số, song trên thực tế, nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ, một số địa phương vẫn chưa có đủ năng lực tự thoát nghèo. Chẳng hạn, tại xã Ba Vì, diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 22ha, trong khi đa số người dân nơi đây làm nông nghiệp. Thu nhập từ nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam chiếm gần 50% tổng số nguồn thu của xã cũng đang gặp khó khăn, do thiếu đất trồng cây thuốc. Để các hộ có nguồn sinh kế tạo dựng cuộc sống, ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì kiến nghị quy hoạch vườn thuốc tập trung, ưu tiên bảo tồn các loại cây thuốc quý. Mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Yên Sơn cần sớm được triển khai, tránh tình trạng hoạt động tự phát như hiện nay.

Tiềm năng phát triển du lịch cũng chưa được khai thác hiệu quả tại xã An Phú. Tham quan điểm du lịch này vào một ngày đầu tháng 6-2019, chị Nguyễn Thị Vân, Khu tập thể Giáp Bát, ngõ 815, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai), cho biết, An Phú có phong cảnh hữu tình, đời sống văn hóa đậm đà bản sắc. Tiếc rằng, nơi đây chưa có bãi đỗ ô tô, đường sá chật chội, người dân chưa biết cách làm du lịch. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức mong muốn tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại xã An Phú, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển kinh tế.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Viết Đăng, Trưởng thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) cho rằng, giải pháp giảm nghèo tối ưu là khơi nguồn sức mạnh nội lực của người dân. Những năm gần đây, hàng trăm đồng bào Mường ở thôn Đồng Ké được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm từ nghề mây, giang đan và họ đã thoát nghèo bền vững.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã phân tích, đánh giá nguyên nhân nghèo của từng hộ, từng địa phương, từ đó đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành, với hướng đi này, khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc thiểu số với các khu vực khác sẽ từng bước được rút ngắn; mục tiêu toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số