Tháo gỡ vướng mắc, sớm cấp nước sạch cho 3 xã của huyện Thanh Trì

Hưng Thịnh| 06/06/2019 22:19

(HNMO) - Dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn 3 xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp (Thanh Trì)  đã hoàn thành,  đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt đồng hồ đang gặp phải vướng mắc.

(HNMO) - Dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch sông Đà trên địa bàn 3 xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp (Thanh Trì) đã hoàn thành, đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai "tạm ứng" phí lắp đặt đồng hồ đang gặp phải vướng mắc...


“Khát” nước sạch

Bà Nguyễn Thị Song, ở ngõ 35 thôn Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai) cho biết, gần 20 năm nay, các hộ dân trên địa bàn xã đều dùng nguồn nước sạch do các trạm khai thác nước ngầm cung cấp. Song, càng ngày mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ càng thêm nghiêm trọng, trong khi các trạm khai thác nước ngầm đều nằm ven sông Nhuệ nên tâm lý của người dân không yên tâm khi sử dụng nguồn nước này. Do đó, hầu hết hộ gia đình trên địa bàn xã đều mua máy lọc để lọc lại nước trước khi sử dụng.

Chưa kể, do ở cuối nguồn của trạm cấp nước sạch Nhân Hòa - Thượng Phúc, nên nhiều gia đình cứ vào mùa hè lại phải chịu cảnh nước cấp “phập phù”, ngày có, ngày không. Theo bà Nguyễn Thị Song (thôn Thượng Phúc), đã hơn một năm nay, gia đình bà phải khoan giếng để có nước dùng cho sinh hoạt, vì sau khi cải tạo hệ thống đường ống, nước từ trạm cấp nước không thể bơm vào từng nhà trong ngõ.

Các trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn xã Tả Thanh Oai đều đang khai thác nguồn nước ngầm thuộc lưu vực sông Nhuệ


Đánh giá về hiện trạng các trạm cấp nước sạch nông thôn tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tràng Thắng cho biết, trên địa bàn xã có 3 trạm cấp nước đang hoạt động đều khai thác nguồn nước ngầm, trong đó, trạm cấp nước thôn Tả Thanh Oai hoạt động từ năm 1996; trạm cấp nước thôn Siêu Quần, trạm cấp nước Nhân Hòa - Thượng Phúc hoạt động từ năm 2002. Cả 3 trạm cấp nước này được đầu tư 100% từ nguồn ngân sách nhà nước; sau khi đi vào hoạt động giao cho các HTX nông nghiệp quản lý và vận hành. Do thiếu năng lực quản lý nên tỷ lệ thất thoát nước rất lớn, dẫn đến trong nhiều năm không có khả năng để đầu tư, cải tạo hệ thống đường ống cấp nước; bên cạnh đó, việc duy trì các công đoạn xử lý nước tại các trạm đôi lúc chưa được bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nước cấp đến từng hộ gia đình chưa được “sạch”.

Theo ông Nguyễn Tràng Thắng, đáng lo ngại, mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong lưu vực, trong khi đó, công nghệ của các trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn xã đã lạc hậu. Thời gian gần đây, kết quả xét nghiệm mẫu nước của các trạm cấp nước trên địa bàn xã cho thấy, mức độ nhiễm asen đều vượt giới hạn cho phép.

Qua tìm hiểu, bên kia sông Nhuệ, các trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn xã Hữu Hòa cũng đều có chung hiện trạng như các trạm cấp nước trên địa bàn xã Tả Thanh Oai. Tất cả các trạm đều đang chờ “đóng cửa” khi có nguồn cung cấp nước sạch khác thay thế.

Chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện

Có lẽ vì lo ngại nguồn nước sạch đã và đang dùng không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên khi Công ty cổ phần VIWACO triển khai thi công lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà trên địa bàn 3 xã, người dân địa phương rất phấn khởi đón nhận. Song, khi nhận được thông báo phải đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ, hầu hết người dân đều bày tỏ sự lo ngại về cơ sở pháp lý trong việc thu tiền của chủ đầu tư. Mức “tạm ứng” 2.575.000 đồng/đồng hồ là quá cao và cơ sở nào để bảo đảm Công ty sẽ khấu trừ và khấu trừ như thế nào vào tiền sử dụng nước?

Theo ông Cao Hải Tháp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VIWACO, tổng số vốn đầu tư cho dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn 3 xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp là 184 tỷ đồng. Sắp tới, Công ty tiếp tục đầu tư bổ sung phát triển mạng lưới cấp nước cho thôn Tả Thanh Oai với số vốn dự toán khoảng 24 tỷ đồng.

Sở dĩ thôn Tả Thanh Oai lắp đặt mạng lưới ống cấp nước sau là do trước đó thành phố giao cho 1 doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư. Nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực triển khai nên thành phố phê duyệt chuyển VIWACO làm chủ đầu tư.

Như vậy, sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu dùng nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho hơn 8.380 hộ dân trên địa bàn 3 xã trên.

Ông Cao Hải Tháp cho biết, trong quá trình triển khai dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền 3 xã trong việc đánh giá nhu cầu về sử dụng nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà. 100% hộ dân trên địa bàn 3 xã đều có đơn đăng ký được sử dụng nguồn nước sạch khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.

Cùng với đó, trước khi dự án hoàn thành, Công ty cũng đã phối hợp với chính quyền sở tại triển khai họp bàn với nhân dân tại các thôn về việc đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ; số tiền đóng góp của các hộ dân sẽ được khấu trừ vào tiền nước sử dụng hằng tháng. Bên cạnh việc tổ chức họp bàn với nhân dân, nội dung trên đã được thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương. 

Theo ông Cao Hải Tháp, việc huy động đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ, sau đó khấu trừ dần vào tiền sử dụng nước hằng tháng của các hộ dân là chủ trương của thành phố nhằm chia sẻ bớt một phần khó khăn về vốn đầu tư trong lĩnh vực nước sạch cho các doanh nghiệp.

Bản thỏa thuận tạm ứng chi phí lắp đặt đồng hồ giữa Công ty cổ phần VIWACO và một hộ dân ở xã Hữu Hòa


Mức “tạm ứng” 2.575.000 đồng của mỗi hộ khi lắp đặt đồng hồ đã được Công ty tính toán kỹ lưỡng và đúng với chi phí, giá cả về nhân công, vật tư, vật liệu hiện nay. Để bảo đảm số tiền tạm ứng của các hộ dân cho Công ty sẽ được thực hiện khấu trừ vào số tiền sử dụng nước hằng tháng, Công ty đã có mẫu văn bản thỏa thuận “Ứng vốn lắp đặt nước sạch cho hộ gia đình huyện Thanh Trì” có chữ ký của đại diện lãnh đạo Công ty và được đóng dấu.

Cũng theo điều khoản trong bản thỏa thuận này, Công ty sẽ khấu trừ 100% tiền sử dụng nước hằng tháng của mỗi hộ dân vào số tiền tạm ứng. Như vậy, Công ty chỉ thu tiền sử dụng nước hằng tháng của hộ dân khi hộ dân đó đã được khấu trừ hết số tiền tạm ứng. Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn 3 xã đã ký vào bản thỏa thuận để lắp đặt đồng hồ và sử dụng nước sạch từ dự án.

Ông Nguyễn Tràng Thắng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, định mức chi phí để đưa ra tạm ứng 2.575.000 đồng của mỗi hộ khi lắp đặt đồng hồ là do chủ đầu tư tính toán. Chính quyền xã sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thỏa thuận “tạm ứng”, nhất là việc khấu trừ hằng tháng có đúng với văn bản thỏa thuận để bảo đảm quyền lợi của các hộ dân trên địa bàn xã.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chủ đầu tư tiếp tục tuyên truyền để các hộ dân trên địa bàn hiểu và yên tâm khi lắp đặt đồng hồ nước, nhằm sớm “phủ kín” địa bàn dùng nước sạch như mục tiêu của thành phố đề ra” - ông Thắng khẳng định.

Ông Nguyễn Tràng Thắng cũng cho biết, Công ty VIWACO và chính quyền xã đã họp bàn và thống nhất, trong quá trình triển khai lắp đặt đồng hồ sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc, sớm cấp nước sạch cho 3 xã của huyện Thanh Trì