Tiên Dương phát triển nhờ cây cảnh

Ánh Dương| 26/05/2019 08:32

(NSHN) - Hiệu quả từ những mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi pđã giúp nhiều người dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) thoát nghèo, làm giàu. Nhờ đó, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương...

(NSHN) - Hiệu quả những mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi  đã giúp nhiều người dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) thoát nghèo, làm giàu. Nhờ đó, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương...

Trưởng thôn Tuân Lề (xã Tiên Dương) Nguyễn Văn Trọng vui mừng cho biết, hiện thôn có 400 hộ dân, gần 70% số hộ dân phát triển kinh tế từ trồng cây đào cảnh, quất cảnh và cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn… Nghề trồng cây cảnh, cây ăn quả được du nhập về địa phương từ khoảng năm 2006, do một số người dân trong thôn làm thuê cho những hộ làm trang trại ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)... Quá trình làm việc, người dân Tuân Lề nhận thấy làm kinh tế trang trại, trồng cây cảnh, cây cam, bưởi… cho hiệu quả kinh tế cao nên đã học hỏi kinh nghiệm và đưa nghề về địa phương.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Tuế - người đầu tiên đưa nghề trồng cây quất cảnh, cam Canh, bưởi Diễn về thôn Tuân Lề. Vườn cây của gia đình ông Tuế có diện tích 8 sào. Làm nghề giỏi, ông Tuế còn nhiệt tình phổ biến kinh nghiệm cho ai muốn học nghề. Nhờ đó, mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả ở thôn Tuân Lề ngày càng được nhân rộng, hiện lên tới 38ha. Những hộ có diện tích vườn cây từ 4.000 đến 5.000m2 không chỉ tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong gia đình mà còn mang lại việc làm cho 4-5 lao động của thôn với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng... Ngoài nghề cây cảnh, người dân còn làm thêm các nghề khác nên thu nhập khá ổn định, bình quân hiện đạt 40-45 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2012 đến nay, thôn Tuân Lề không còn hộ nghèo; 97% số hộ đạt Gia đình văn hóa; gần 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100%...

Không riêng thôn Tuân Lề mà ở thôn Lương Nỗ, người dân cũng gắn bó với nghề trồng đào, quất cảnh gần 20 năm nay. Tận dụng đặc thù có nhiều ao lớn nên ngoài nghề trồng cây cảnh, Lương Nỗ còn có 16 hộ phát triển kinh tế với mô hình vườn - ao - chuồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá dưới ao, trồng cây ăn quả (cam, bưởi...) ven bờ, tổng diện tích 8ha. Nhờ đó, thu nhập của các hộ làm kinh tế trang trại ở Lương Nỗ khá cao: 500-700 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Hiện, Lương Nỗ có hơn 900 hộ dân, nhưng chỉ có 7 hộ ở mức cận nghèo...

Tương tự, thôn Cổ Dương cũng phát triển kinh tế nhờ trồng đào cảnh, quất cảnh kết hợp chăn nuôi. Hiện, ở Cổ Dương có 9 trang trại cho hiệu quả kinh tế khá… "Với hơn 1.100 hộ, người dân thôn Cổ Dương có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Những hộ dân làm trang trại ở thôn Cổ Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo. Thậm chí, hộ nghèo trong thôn còn được hỗ trợ vật dụng thiết thực, như: Chăn, quạt, sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng, xe đạp cho con em đi học...", Trưởng thôn Cổ Dương Trần Văn Cường chia sẻ.

"Nhờ nghề trồng cây cảnh, cây ăn quả, làm trang trại... nhiều hộ dân ở xã Tiên Dương đã thoát nghèo, số hộ khá giả ngày càng tăng. Đến nay, xã có 25 mô hình kinh tế đạt tiêu chuẩn trang trại, trong đó có 3 trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Thời gian tới, Tiên Dương tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ... qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Tiên Dương ngày càng giàu đẹp", Chủ tịch UBND xã Tiên Dương Trần Văn Sáng phấn khởi cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên Dương phát triển nhờ cây cảnh