Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất: Đoàn kết để thoát nghèo

Triệu Dương| 23/05/2019 12:16

(NSHN) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Tiến Xuân đã luôn chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động tập hợp, đoàn kết lực lượng triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước tới các tầng lớp nhân dân.

(NSHN) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Tiến Xuân đã luôn chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động tập hợp, đoàn kết lực lượng triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước tới các tầng lớp nhân dân.

Hạt nhân của khối đại đoàn kết

Ông Đinh Công Long - Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, vai trò của MTTQ đối với khối đại đoàn kết các dân tộc là vô cùng quan trọng nên những người nắm giữ trọng trách trong tổ chức MTTQ phải là người có uy tín. "Làm được, nói được thì bà con mới theo".

Đúng như lời Chủ tịch xã Đinh Công Long, thôn Gò Chè (thuộc xã Tiến Xuân) đang thay đổi từng ngày nhờ chính nội lực phấn đấu của bà con người Mường nơi đây. Sự đổi thay đến từ những con đường liên ngõ, liên thôn được trải nhựa phẳng phiu kết nối thẳng với Tỉnh lộ 446 là điều dễ nhận thấy. Thôn Gò Chè cũng chính là nơi sinh sống của ông Bùi Tiến Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiến Xuân.

Gặp gỡ ông Bùi Tiến Sơn trong căn nhà khang trang giữa vườn cây trái trù phú như càng khẳng định sự tin tưởng, quý trọng mà người dân địa phương dành cho người "làm được, nói được". Dường như với bất kỳ người khách nào ghé thăm gia đình mình, ông Sơn cũng mở đầu câu chuyện bằng việc gìn giữ ngôi nhà cổ làm từ gỗ mít, gỗ xoan để giữ nếp nhà cho con cháu mai sau, cho dù hiện nay điều kiện kinh tế gia đình thừa sức xây được một ngôi nhà khang trang, kiên cố hơn. Trên tường nhà treo những tấm bằng khen của 4 người con trai gửi về nhờ bố giữ hộ. Trưởng thành từ quê hương Thạch Thất, hiện tại cả 4 người con ông Sơn đều là giáo viên.

Người con trai cả Bùi Văn Lâm đang giảng dạy tại Trường THCS Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội), 3 người còn lại là Bùi Văn Đức, Bùi Quang Tuấn, Bùi Tuấn Mạnh đang làm công việc "gieo chữ" tại những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên và Hòa Bình. Tự hào về những người con của mình, ông Sơn nói, "tôi vẫn dạy con dù ở nơi đâu cũng không bao giờ quên mảnh đất đã nuôi dưỡng mình thành người, thành tài như hôm nay". Làm công việc Mặt trận như "người vác tù và hàng tổng” nhưng ông Sơn lúc nào cũng vui vẻ vì ông nghĩ, bà con đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau thì quê hương mới giàu mạnh, mới trở thành chốn đi về yên vui của những người con đang bay đi muôn phương.

Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân - Đinh Công Long khẳng định: Với bà con người dân tộc, người có uy tín chính là người “dám nghĩ, dám làm”, quyết tâm làm giàu cho gia đình và quê hương. Chủ tịch Đinh Công Long cho biết thêm, bà con người Mường thôn Gò Chè vẫn nhắc đến gia đình ông Bùi Tiến Sơn như một tấm gương điển hình cho việc dạy con cái và là hạt nhân gắn bó tình cảm của bà con chòm xóm. Cũng vì thế mà ông Sơn được bà con tín nhiệm, gắn bó với chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiến Xuân nhiều năm liền.

Phát huy "tinh thần Mặt trận"

Theo báo cáo công tác MTTQ xã Tiến Xuân, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ xã đã tích cực vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Vì vậy diện mạo ở các thôn của xã đã dần thay đổi theo hướng văn minh, sạch đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ xã đã phối hợp với UBND xã triển khai cho các thôn tổ chức xây dựng hương ước, quy ước, hướng dẫn các hộ gia đình nắm được các tiêu chí để đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa”, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế để danh hiệu văn hóa được đảm bảo đúng thực chất, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.

Năm 2018, xã có 92,3% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 6/7 thôn tiếp tục được công nhận đạt và giữ vững danh hiệu "Khu dân cư văn hóa", 100% các cơ quan, đơn vị đều giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa. Ngoài ra, xã đã thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, "Người tốt, việc tốt"; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc...

Đặc biệt, MTTQ đã phối hợp với UBND xã trong việc tuyên truyền người dân thực hiện việc cưới, việc tang, mừng thọ theo hướng văn minh, tiến bộ. Đám cưới, đám tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Việc mừng thọ các cụ cao tuổi được tổ chức tập trung tại trụ sở UBND xã, không tổ chức ăn uống linh đình như trước. Bên cạnh đó, MTTQ cũng phối hợp với chính quyền, các đoàn thể duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống... Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chương trình phối hợp vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các cuộc vận động “Quỹ Vì người nghèo”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn”...

Chủ tịch xã Đinh Công Long cho biết: Trong công tác tuyên truyền, xã Tiến Xuân tập trung chủ yếu vào thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, việc cưới, việc tang, lễ hội... Các phong trào thi đua luôn được triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đảm bảo rõ nội dung, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tốt. Đơn cử như thực hiện chương trình "Xây dựng nông thôn mới" có 20 hộ gia đình đã tình nguyện hiến trên 3.000m2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng, trong đó tiêu biểu là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Đống ở thôn Trại Mới đã hiến 542m2...

Còn theo ông Bùi Tiến Sơn, tuy xã Tiến Xuân đã "về đích" nông thôn mới năm 2015 nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, ví dụ một số chỉ tiêu đạt còn thấp như cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn, hệ thống giao thông, kênh mương... Ông Sơn cho biết thêm, riêng trong năm 2018 xã Tiến Xuân đã huy động được hàng nghìn ngày công lao động nạo vét kênh mương, sửa đường giao thông nội đồng và năm 2019 sẽ tiến hành nốt những công việc còn dang dở theo nguyện vọng của bà con.

Thực tế ở Tiến Xuân đã cho thấy, từ việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của những cá nhân, tập thể tiêu biểu mà xã miền núi này đã thực sự thoát nghèo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, thực sự là một điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Thạch Thất hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất: Đoàn kết để thoát nghèo