Học tập Bác mỗi ngày

Nguyễn Mai| 17/05/2019 07:55

(NSHN) - Học nghề thêu từ năm 10 tuổi, đến nay ông Nguyễn Quốc Sự (78 tuổi, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đã có 68 năm cầm kim thêu. Gần trọn cuộc đời gắn với nghề, ông đã thêu hàng chục bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức nào cũng khiến người xem phải trầm trồ, thán phục. Tình yêu của ông với vị lãnh tụ kính yêu không chỉ dồn vào những bức tranh thêu mà còn biến thành hành động khi mỗi ngày, ông đã học Bác từ những điều nhỏ nhất để làm cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa...

(NSHN) - Học nghề thêu từ năm 10 tuổi, đến nay ông Nguyễn Quốc Sự (78 tuổi, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đã có 68 năm cầm kim thêu. Gần trọn cuộc đời gắn với nghề, ông đã thêu hàng chục bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức nào cũng khiến người xem phải trầm trồ, thán phục. Tình yêu của ông với vị lãnh tụ kính yêu không chỉ dồn vào những bức tranh thêu mà còn biến thành hành động khi mỗi ngày, ông đã học Bác từ những điều nhỏ nhất để làm cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa...

Bức tranh thêu đặc biệt

Trong số hàng chục bức tranh thêu treo ở phòng khách của gia đình ông Nguyễn Quốc Sự, vị trí trang trọng nhất là bức tranh thêu chân dung Bác Hồ. Nhìn bức tranh, từ ánh mắt, đến nụ cười của Bác đều khiến người xem cảm nhận như một bức ảnh chụp: Những đường thêu được khắc họa sống động, tỉ mỉ, tinh tế. “Đó là bức tranh tôi thêu từ năm 1972 và luôn gìn giữ như bảo vật trong nhà suốt gần 47 năm qua” - ông Sự giới thiệu.

Về thời điểm ra đời của bức tranh, ông Sự hồi tưởng, năm 1972, nghề thêu của xã Thắng Lợi đã nức tiếng trong và ngoài nước khi nhà nhà rộn ràng làm nghề để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Hợp tác xã Thêu Thắng Lợi từng được coi là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, được đón cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm. Thời điểm đó, khi vào căn phòng treo rất nhiều ảnh Bác, Tổng Bí thư nói: “Nghề thêu ở đây rất nổi tiếng, đội ngũ thợ giỏi cũng đông, vậy mà sao chưa có bức nào thêu chân dung Bác Hồ?”. Lời nói ấy đã gieo vào lòng ông Sự quyết tâm phải thêu những bức chân dung thật đẹp về Bác.

“Ngày đó, tôi chưa từng được gặp, chỉ được xem ảnh Bác Hồ nhưng chất lượng ảnh không tốt như hiện nay. Khi ấy, tôi liên tưởng tới những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu khi viết về Người: "Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười". Tuy vậy, từ tình yêu, cảm xúc để truyền vào bức tranh không phải là điều đơn giản. Khó nhất khi thêu tranh Bác là phải đặc tả được ánh mắt, khóe môi, chòm râu...

Cứ vậy, tôi nghĩ rất nhiều, thêu chưa ưng ý lại tháo chỉ ra thêu lại. Thêu vào đã khó, khi gỡ chỉ lại càng khó hơn, bởi chỉ tơ tằm rất tơi và nhỏ, phải gỡ từng sợi, cực kỳ phức tạp. Khi thêu xong đôi mắt Bác, tôi vui lắm và thấy phấn chấn vô cùng”.

Ròng rã 8 tháng trời, bức tranh thêu chân dung Bác Hồ đã được ông Nguyễn Quốc Sự hoàn thành. Tranh được thêu hoàn toàn bằng chỉ tơ tằm (gồm rất nhiều sợi nhỏ chập lại) kết hợp với đôi tay tài hoa và lòng yêu nghề, kính trọng Bác. Bức tranh thêu đó được rất nhiều người yêu thích, hỏi mua bằng mọi giá nhưng ông Sự không bán. "Cách đây khoảng 10 năm có 2 phóng viên người Mỹ cùng 1 người phiên dịch đến nhà tôi hỏi mua bức chân dung Bác thêu năm 1972 nhưng tôi không bán. Sau đó, thêm 2 lần nữa người phóng viên đó quay lại thuyết phục, năn nỉ nhưng tôi vẫn không đồng ý. Bởi đó là bức tranh thêu đặc biệt nhất, bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ của tôi với Bác” - ông Sự cho biết.

Học Bác từ những việc nhỏ nhất

Từ tình yêu, sự ngưỡng mộ, ông Nguyễn Quốc Sự đã dồn tâm huyết, thêu thêm hàng chục bức tranh chân dung khác về Bác. Càng thêu, càng nghĩ về Người, ông Sự càng như ngấm hơn những điều Bác dạy. Từ đó, mỗi việc làm, hành động, ông đều cố gắng học và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Ông bộc bạch: "Có được thành công như hôm nay chính là vì bản thân tôi đã học tập Bác mỗi ngày".

“Trong số rất nhiều câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tôi luôn cố gắng học mỗi điều, dù là nhỏ nhất. Điều tôi trân quý nhất trong tư tưởng của Người đó là tinh thần đoàn kết. Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đó là sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Với cá nhân tôi, đoàn kết là những điều vô cùng bình dị, gần gũi, đó là đoàn kết giữa thầy với trò, giữa chủ với thợ.

Tại gia đình tôi có thời điểm có tới 200 thợ thêu, nếu không đoàn kết sẽ khó tạo nên sức mạnh để thành công. Đoàn kết phải xuất phát từ tình yêu thương nhau, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, trước khi làm thầy dạy nghề, truyền nghề cho mọi người, tôi cũng là một người thợ. Tôi coi anh em thợ thêu như người trong nhà, luôn cảm thông với họ, hướng dẫn nhiệt tình cách đưa kim, phối màu chỉ... Nghề thêu cũng là cơ hội để người dân kiếm sống, vì vậy, tôi luôn cố gắng trả lương thợ đúng hạn, tương xứng với công sức của người lao động bỏ ra; động viên, khuyến khích người thợ yêu nghề" - ông Sự chia sẻ.

Với ông Sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học và học tập suốt đời. Điều đó khiến ông liên tưởng đến người làm nghề thêu; nếu không chịu khó học thì sẽ lạc hậu bởi các mẫu thêu liên tục thay đổi, trong khi người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày một cao. Thực tế, nếu thợ thêu chỉ đơn thuần có đôi tay khéo léo mà không có trình độ về hội họa thì sẽ mất rất nhiều thời gian để tạo được tác phẩm xuất sắc. Chính vì vậy, khi còn trẻ, ông đã học thêm những kiến thức căn bản về hội họa tại Trường Mỹ nghệ Hà Tây...

Thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề, ông Sự đã trở thành nghệ nhân giỏi. Gần trọn cuộc đời gắn bó với kim thêu, ông Nguyễn Quốc Sự không ngừng truyền dạy nghề thêu cho lớp trẻ. Thời trẻ, ông đi dạy thêu ở khắp nơi trên cả nước; sau này ông mở xưởng, thêu và dạy thêu tại nhà. Học trò của ông nhiều người nay đã thành những nghệ nhân, thợ giỏi, chủ doanh nghiệp thêu ở các làng thêu trên đất Thường Tín. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Sự vẫn mở rộng cửa đón con em trong làng đến học nghề và sẵn sàng bố trí việc làm sau khóa học. Hiện nay, tại xưởng thêu của gia đình ông cũng đang có 20 lao động làm việc.

Với những cống hiến cho nghề, cho xã hội, ông Nguyễn Quốc Sự đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhận xét về những đóng góp của nghệ nhân, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi Nguyễn Quang Vinh cho biết: Là nghệ nhân tài năng, tâm huyết với nghề truyền thống, ông Nguyễn Quốc Sự đã gìn giữ và phát triển nghề thêu, làm rạng danh cho quê hương. Là người có lối sống giản dị, luôn vì mọi người, sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội như ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, dạy nghề và giúp rất nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định, ông Nguyễn Quốc Sự đã học theo tấm gương đạo đức của Bác từ những điều ý nghĩa như thế...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học tập Bác mỗi ngày