Làm giàu trên vùng đất bãi

Đỗ Minh| 01/05/2019 09:02

(HNM) - Vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc quận Long Biên một thời cỏ mọc um tùm, nhưng giờ đây đã nhường chỗ cho những vườn cây ăn quả trái ngọt bốn mùa. Chủ nhân của các vườn cây này đến từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận để lao động, sản xuất với khát vọng đổi đời.

(HNM) - Vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc quận Long Biên một thời cỏ mọc um tùm, nhưng giờ đây đã nhường chỗ cho những vườn cây ăn quả trái ngọt bốn mùa. Chủ nhân của các vườn cây này đến từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận để lao động, sản xuất với khát vọng đổi đời.

Hướng về khu vườn trồng cây ăn quả gồm chuối, nhãn, ổi và nuôi gà được quy hoạch khá bài bản, anh Nguyễn Đình Tá, quê ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: Do cuộc sống lam lũ nên năm 2008 anh đã rời quê hương sang thành phố Hà Nội mưu sinh. Ban đầu anh Nguyễn Đình Tá làm thuê cho một vài công trường xây dựng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Sau đó, anh chuyển sang bán hoa cảnh khắp phố phường của Hà Nội, song cuộc sống cũng không đổi thay. Năm 2010, anh Nguyễn Đình Tá nghe theo lời người thân, đến vùng bãi sông Hồng thuộc phường Cự Khối (quận Long Biên) thuê đất trồng cây ăn quả. Ban đầu, anh thuê 3 sào đất để trồng chuối tiêu hồng. Nhờ cần cù, chịu khó và có lưng vốn, anh tiếp tục thuê đất của người dân địa phương mở rộng diện tích trồng ổi, nhãn và nuôi gà. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Đình Tá cho thu nhập bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm. “Nhờ thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, gia đình đã có nguồn tích lũy trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học” - anh Nguyễn Đình Tá cho hay.

Chị Phạm Thị Hoa, ở tỉnh Bắc Ninh cũng là một trong những tấm gương vượt khó trong lao động, sản xuất trên vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc quận Long Biên. Rời quê hương sang Thủ đô Hà Nội tìm kiếm việc làm để có thể giúp gia đình xóa đói, giảm nghèo. Trải qua rất nhiều nghề, lao động vất vả, nhưng thu nhập của chị chỉ đủ trang trải cho cuộc sống của bản thân. Năm 2012, chị Phạm Thị Hoa được người thân “mách” sang vùng bãi sông Hồng ở quận Long Biên thuê đất trồng cây, canh tác. Ban đầu chị vay mượn, thuê 5 mẫu đất trồng cây quất cảnh. Sau một thời gian cần mẫn lao động, học hỏi từng ngày, đến nay vườn quất cảnh của chị đã phát triển ổn định, trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi 300 triệu đồng…

Ngoài chị Phạm Thị Hoa, anh Nguyễn Đình Tá, còn có nhiều người lao động như ông Lê Ngọc Minh, 64 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc, chị Lê Thị Hoa ở huyện Ba Vì… cũng đang bám trụ tại bãi bồi sông Hồng thuê đất trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế để dần dần thực hiện khát vọng đổi đời.

Theo thống kê của UBND quận Long Biên, vùng đất bãi bồi ven sông Hồng có diện tích hàng chục héc ta tại các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Long Biên và Cự Khối của quận Long Biên. Hiện khu vực này có hơn 300 hộ gia đình với gần 1.300 nhân khẩu ngoại tỉnh đến thuê đất để mưu sinh, phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối Lê Văn An cho hay, đất ven sông Hồng là quỹ đất dự phòng, giao cho các hộ dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn đã có công khai hoang trước đây. Người lao động ngoại tỉnh thuê đất phải có hợp đồng rõ ràng với chủ sở hữu; đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý của chính quyền phường sở tại; cam kết không vi phạm Luật Đê điều và chỉ được phép trồng trọt, chăn nuôi những hạng mục cho phép; nếu phường có dự án thu hồi thì các hộ dân phải trả lại đất bất kể hợp đồng đã hết hay chưa hết hạn.

Vì nằm trên quỹ đất dự phòng, nên hầu hết các hộ gia đình chỉ dựng tạm căn lều nhỏ để tiện sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống điện, nước sạch cũng không được trang bị đầy đủ, tất cả đều phải thuê và nối từ nhà dân sang khu sản xuất. “Dù còn nhiều khó khăn, song đất bãi bồi sông Hồng rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả, rau màu, cây cảnh… Đặc biệt, nhu cầu thị trường Hà Nội rất lớn, cơ bản sản phẩm làm ra được người tiêu dùng Thủ đô tiêu thụ hết. Khu vực đất bãi sạch, khí hậu phù hợp, người dân đến đây cũng nhận thức rõ, chỉ có sản xuất sạch mới có thị trường tiêu thụ. Với nhiều lao động ngoại tỉnh, đây thực sự là mảnh đất đã giúp chúng tôi thoát nghèo, làm giàu” - chị Phạm Thị Hoa chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu trên vùng đất bãi