Trăn trở giữ nghề mây, tre đan

Sơn Tùng| 28/04/2019 07:39

(NSHN) - Làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) được coi là một trong những cái nôi của nghề mây, tre đan với bề dày hơn 400 năm. Tuy nhiên, khi những nghệ nhân ngày càng cao tuổi, làm thế nào để truyền đam mê cho thế hệ trẻ đang là trăn trở của người làng nghề Phú Vinh.

(NSHN) - Làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) được coi là một trong những cái nôi của nghề mây, tre đan với bề dày hơn 400 năm. Tuy nhiên, khi những nghệ nhân ngày càng cao tuổi, làm thế nào để truyền đam mê cho thế hệ trẻ đang là trăn trở của người làng nghề Phú Vinh.

Ở làng nghề Phú Vinh, nhiều nghệ nhân không chỉ duy trì và phát triển nghề mà còn rất tâm huyết truyền nghề cho người dân địa phương khác, thậm chí là người nước ngoài, trong đó có công sức của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Dáng người nhỏ, lại chịu khiếm khuyết sau cơn bạo bệnh khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Trung khó khăn trong sinh hoạt và làm nghề, song với nghị lực cùng tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống của quê hương, ông không ngừng học hỏi, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, góp phần vinh danh, quảng bá thương hiệu làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh tại thị trường trong nước, quốc tế.

Hơn 40 năm trong nghề, ông Trung tạo khoảng 300 bức chân dung danh nhân, lãnh tụ của Việt Nam và thế giới, trong đó có hơn 200 bức chân dung Bác Hồ. Năm 2005, ông Trung thành lập Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn và tập trung đầu tư, nghiên cứu cải tiến mẫu mã nhiều mặt hàng gia dụng cùng vô số sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.

Ngoài ra, ông cùng người làng nghề thành lập Trung tâm Đào tạo nghề tư thục Mây tre đan Phú Vinh, thu hút hàng nghìn lượt học viên từ nhiều tỉnh, thành phố - đây là đội ngũ kế thừa nghề, trước hết, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ dạy nghề cho người trong nước, ông và người làng nghề còn dạy nghề cho một số công dân nước bạn Cuba...

Hiện nay, ngoài sản phẩm cổ truyền, làng nghề Phú Vinh còn kết hợp với những vật liệu khác (gốm, sứ, gỗ, sắt…), tạo nên nhiều sản phẩm độc, lạ, đẹp... Kế tiếp lớp nghệ nhân cao tuổi, gia đình anh Hoàng Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Hân là những người đầu tiên kết hợp tinh hoa gốm Bát Tràng với mây tre đan Phú Vinh. Sản phẩm mây - gốm của anh chị phong phú, đa dạng, độc đáo... đã giành nhiều Huy chương vàng trong các hội chợ.

Một trong những gia đình làm nghề mây tre đan truyền thống lâu đời, có 3 thế hệ được phong tặng danh hiệu nghệ nhân là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh. Cha ông - cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu đã thành công trong nghề đan mây tả phong cảnh, đặc tả chân dung và là người đầu tiên tạo hình tượng Bác Hồ từ nguyên liệu mây. Thừa hưởng từ cha, ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng rất thành công trong lĩnh vực nội thất mây tre đan và truyền niềm đam mê nghề cho con, cháu...

"Mặc dù cả 3 người con của tôi đều đang nối nghiệp cha ông theo nghề mây tre đan, song tôi vẫn lo lắng bởi xu hướng của tuổi trẻ chưa thực sự đam mê nghề, nhiều người chỉ coi là sinh kế. Với nghề thủ công này, ngoài sự cần cù, tài hoa, sáng tạo... thì yếu tố tâm huyết, đam mê mới có thể thành công. Bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức, khoa học hiện đại trong thiết kế, phối màu… và đau đáu nỗi niềm giữ nghề" - nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tâm sự.

Làng nghề Phú Vinh tạo việc làm cho trên 50% số lao động trong xã với hơn 2.400 hộ gia đình làm nghề. Đến nay, sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới với 88% tổng giá trị sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Ngoài làm theo mẫu đặt hàng, các nghệ nhân còn sáng tạo nhiều mẫu mã mới như: Chao đèn, túi xách, đồ trang trí... phục vụ xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường của khách hàng trong và ngoài nước.

Tâm tư của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng là trăn trở của những người làng nghề mây tre đan Phú Vinh trước thách thức của cơ chế thị trường, việc tiêu thụ ngày càng thu hẹp bởi chịu nhiều cạnh tranh gay gắt. Mức thu nhập của người làng nghề còn thấp so với một số ngành nghề mới. Với mỗi sản phẩm thông thường giá bán 50.000-70.000 đồng; sản phẩm có kích thước lớn hoặc được thiết kế công phu mới bán được giá từ 150.000 đồng trở lên. Do đó, ngoài những nghệ nhân cao tuổi và số ít tuổi trẻ đam mê mà gắn bó với nghề thì nguy cơ mai một nghề mây tre đan thủ công truyền thống ở Phú Vinh đang là bài toán khó chờ lời giải...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở giữ nghề mây, tre đan