Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Mỹ

Ánh Dương| 28/04/2019 07:37

(NSHN) - Xuất phát điểm là xã khó khăn nhất của thị xã Sơn Tây, Thanh Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới sau 5 năm nỗ lực (2011-2016). Tiếp đà, Thanh Mỹ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao...

(NSHN) - Xuất phát điểm là xã khó khăn nhất của thị xã Sơn Tây, Thanh Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới sau 5 năm nỗ lực (2011-2016). Tiếp đà, Thanh Mỹ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Năm 2012, xã Thanh Mỹ triển khai xây dựng nông thôn mới với “vốn liếng” ít ỏi: Đạt và cơ bản đạt 7/19 tiêu chí. Với địa hình trung du, đồi gò, đất khô cằn sỏi đá, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi nông dân chủ yếu trồng sắn, ngô, lạc nên thu nhập thấp (18,8 triệu đồng/người/năm), đời sống còn nhiều khó khăn, toàn xã có tới hơn 300 hộ nghèo (8,7%)… Trong khi đó, mỗi hộ nông dân ở Thanh Mỹ có từ 7 đến 18 mảnh ruộng nhỏ, rải rác ở các khu đồng, trên đồi, giao thông nội đồng là đường đất, kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố... Thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công, mỗi hộ dân chỉ còn từ 1 đến 3 thửa ruộng và điều này tạo điều kiện để nhiều hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh.

Từ đó, Thanh Mỹ bắt đầu hình thành những vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích hơn 100ha, tập trung tại các thôn: Thủ Trung, Quảng Đại, Yên Mỹ… Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Quyết trồng bưởi Diễn trên diện tích 5ha ở đồi Nông Dân, thôn Quảng Đại, đang cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Hay như gia đình anh Lê Văn Thắng ở thôn Yên Mỹ làm kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Thắng cho biết, từ năm 2009, gia đình anh thuê thầu hơn 3.000m2 đất nông nghiệp để trồng bưởi Diễn và chăn nuôi gà. Đến năm 2013, sau khi dồn đổi được hơn 3.000m2 đất nông nghiệp gọn thửa, gọn vùng, anh thuê thêm 13.000m2 đất nông nghiệp công ích để làm kinh tế trang trại với quy mô chăn nuôi lớn 3.000-4.000 gà đẻ kết hợp trồng bưởi Diễn, mít Thái…

Ngoài ra, nhiều hộ khác cũng chuyển đổi trồng hoa, rau màu, cho thu lãi cao. “Nếu trước kia nông dân chủ yếu trồng sắn, ngô, lạc... giá trị đạt thấp (hơn 1 triệu đồng/sào) thì nay hàng trăm hộ đã chuyển sang trồng cam, bưởi, táo, ổi, hoa, rau màu… với diện tích bình quân từ 500 đến 1.500m2, cho thu nhập cao gấp hàng chục lần”, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Nguyễn Văn Toàn vui mừng nói.

Phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, đặc biệt có sự cộng hưởng sức mạnh toàn dân, Thanh Mỹ đã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016. Xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và ngành nghề phụ: Chế biến lâm sản, may công nghiệp, xây dựng… góp phần nâng thu nhập bình quân lên 38,1 triệu đồng/người/năm.

Sau quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, địa phương có quỹ đất hơn 8ha phục vụ quy hoạch mở rộng sân bóng, nhà văn hóa, nghĩa trang nhân dân... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về vật liệu xây dựng, nhân dân Thanh Mỹ đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 1.000m2 đất ở, đất vườn để mở rộng thêm các tuyến đường; điển hình ở các thôn Đồng Đổi, Thủ Trung, Quảng Đại...

Trưởng thôn Đồng Đổi Hoàng Văn Toàn cho biết: "Thôn có một số hộ gia đình hiến tổng số hơn 400m2 đất ở, đất vườn để làm đường, như hộ gia đình ông Kiều Văn Hùy (200m2), bà Nguyễn Thị Canh (100m2)... Ngoài ra, mỗi hộ dân trong thôn còn đóng góp 200.000 đồng và nhiều ngày công lao động để làm đường". Đến năm 2015, 100% tuyến đường ngõ, xóm, liên thôn, liên xã ở Thanh Mỹ được nhựa hóa, bê tông hóa, rất thuận lợi cho giao thông, giao thương, phát triển kinh tế...

"Hiện, toàn xã chỉ còn 27 hộ nghèo (0,95%); 11/11 thôn, tổ dân phố, 4 cơ quan, đơn vị đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa… Thanh Mỹ đang hướng tới mục tiêu mới là Xây dựng nông thôn mới nâng cao" - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Nguyễn Văn Toàn phấn khởi cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Mỹ