Nghệ nhân tâm huyết với cồng chiêng

Dương Linh| 23/04/2019 07:48

(NSHN) - Hàng chục năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (sinh năm 1952) ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) luôn miệt mài truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Thủ đô.

(NSHN) - Hàng chục năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (sinh năm 1952) ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) luôn miệt mài truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Thủ đô.

Trước tình trạng nhiều người đem bán cồng chiêng, lo lắng nguy cơ mai một nền văn hóa lâu đời của dân tộc Mường, bà Thìn lặng lẽ sưu tầm, lưu giữ 12 bộ cồng chiêng quý, rồi tâm huyết truyền dạy cho nhiều người nơi sinh sống. Những năm gần đây, ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân được chính quyền đầu tư mỗi xã hai bộ cồng chiêng và nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn được mời dạy nghệ thuật biểu diễn cho cộng đồng. Vừa giảng dạy, bà Thìn vừa tích cực vận động các thôn, xã thành lập đội cồng chiêng. Nhờ đó, địa bàn huyện Thạch Thất hiện đã có trên 22 đội cồng chiêng, với gần 300 người tham gia.

Không chỉ truyền dạy cho người trong thôn xã mình, bà Thìn còn dạy cồng chiêng cho người dân huyện Quốc Oai, Ba Vì và các tỉnh bạn. Đặc biệt, trong nhiều năm, nghệ nhân đã sáng tác, dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng được khán giả đón nhận và yêu mến.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ: Tôi cũng mong rằng Nhà nước cũng như thành phố có thêm chính sách quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Tâm huyết, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cồng chiêng, năm 2015, bà Thìn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2018, bà được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen “Người tốt, việc tốt”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân tâm huyết với cồng chiêng