Nội thành tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai| 19/04/2019 07:24

(HNM) - Với tinh thần "nội thành hỗ trợ ngoại thành", những năm qua, các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ủng hộ các huyện hàng trăm tỷ đồng nhằm tiếp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đến nay việc hỗ trợ vẫn được tiếp tục thực hiện, qua đó giúp nhiều địa phương nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả công trình đầu tư xây dựng.

(HNM) - Với tinh thần "nội thành hỗ trợ ngoại thành", những năm qua, các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ủng hộ các huyện hàng trăm tỷ đồng nhằm tiếp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đến nay việc hỗ trợ vẫn được tiếp tục thực hiện, qua đó giúp nhiều địa phương nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả công trình đầu tư xây dựng.

Nhà văn hóa thôn Tòng Lệnh (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) được quận Thanh Xuân hỗ trợ, hoàn thành năm 2018. Ảnh: Minh Phú


Hiệu quả, thiết thực

Năm 2018, Nhà văn hóa thôn Tòng Lệnh (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) rộng 170m2 nằm trong khuôn viên 1.300m2 được khánh thành trong niềm vui của hàng trăm hộ dân. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt Lương Thị Nghĩa: “Thôn Tòng Lệnh có 700 hộ dân. Trước khi có nhà văn hóa, mọi hoạt động của thôn đều tổ chức nhờ ở đình làng. Cơ sở vật chất tại đây thiếu thốn, chật chội nên các hoạt động theo đó bị hạn chế. Địa phương đã tính đến xây dựng nhà văn hóa nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Nhờ 2,5 tỷ đồng hỗ trợ của quận Thanh Xuân, Nhà văn hóa thôn Tòng Lệnh đã được đầu tư xây dựng khang trang như hôm nay”.

Không chỉ ở Tòng Bạt, Trường Mầm non Thanh Văn (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai) cũng được hoàn thành nhờ sự hỗ trợ tích cực của quận Thanh Xuân với kinh phí đầu tư xây dựng 36 tỷ đồng. Trường có cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc gia với 14 phòng học, công trình phụ, khu bếp ăn... Tháng 8-2018, công trình được đưa vào sử dụng, đón gần 500 học sinh. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà, trong 3 năm gần đây, huyện được 2 quận: Ba Đình và Thanh Xuân hỗ trợ 57 tỷ đồng xây dựng Trường Trung học cơ sở Đỗ Động và Trường Mầm non Thanh Văn đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh; giúp 2 xã trên hoàn thành phố xây dựng nông thôn mới.

Thực tế, để có đủ số vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng luôn là bài toán nan giải với nhiều huyện. Bởi vậy, phong trào "nội thành hỗ trợ ngoại thành" thực sự đã tiếp sức rất hiệu quả cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, tại huyện Mỹ Đức, theo thông tin từ Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng: Từ năm 2016 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tiếp nhận 72,5 tỷ đồng của 5 quận (Long Biên, Ba Đình, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Hà Đông) hỗ trợ xây dựng công trình trường học và nhà văn hóa, góp phần cho 11/21 xã của Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, từ năm 2016 đến hết tháng 3-2019, toàn thành phố đã có 12/12 quận hỗ trợ các huyện 438,1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Thanh Xuân là quận hỗ trợ nhiều nhất với tổng kinh phí 183 tỷ đồng, quận Ba Đình hỗ trợ 67 tỷ đồng, quận Đống Đa hỗ trợ 37,5 tỷ đồng... Năm 2019, các quận vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới…

Phát huy giá trị công trình

Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ các huyện, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh nói: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, quận Hoàng Mai đã đồng hành với các huyện thông qua những hỗ trợ thiết thực. Đến nay, quận đã hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng cho 3 huyện: Thạch Thất, Mỹ Đức, Ứng Hòa và tiếp tục đồng hành với các huyện trong thời gian tới”.

Từ những hỗ trợ của các quận, chính quyền, nhân dân tại địa phương đang hưởng lợi đã nỗ lực đưa các công trình này vận hành hiệu quả, thiết thực... Với các trường học, ngay sau khi hoàn thành đều được đưa vào sử dụng; với các nhà văn hóa thôn, sau khi hoàn thành, các địa phương vận động nhân dân đóng góp kinh phí mua sắm bàn, ghế, loa đài, quạt điện... để phục vụ các hoạt động cộng đồng. Phó Trưởng thôn Tòng Lệnh (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) Lương Văn Nga cho hay, nhờ nhà văn hóa có khuôn viên rộng, thôn kẻ vạch làm sân bóng chuyền, cầu lông để nhân dân rèn luyện sức khỏe. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, thư viện… nhằm tạo sự phong phú, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Với những xã chưa hoàn thành, hầu hết do còn nhiều khó khăn. Trong đó, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là hạ tầng cần nguồn lực đầu tư lớn. Vì thế, sự hỗ trợ từ các quận có ý nghĩa tiếp thêm sức mạnh để các xã nghèo đủ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự hỗ trợ của các quận cho các huyện. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý các địa phương cần có giải pháp cụ thể để tiếp quản, đưa công trình vào sử dụng hiệu quả, thiết thực. “Trong quý II, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU sẽ kiểm tra các công trình hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các công trình do các quận hỗ trợ để đánh giá hiệu quả, không để tình trạng công trình sau đầu tư không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội thành tiếp sức xây dựng nông thôn mới