Khi nông dân là chủ thể

Đỗ Minh| 15/04/2019 07:50

(HNM) - Xác định nông dân là chủ thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai sâu rộng nhiều chương trình, phong trào...

 (HNM) - Xác định nông dân là chủ thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai sâu rộng nhiều chương trình, phong trào... Từ những hoạt động thiết thực, hội viên đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới...

“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào tạo hiệu ứng tích cực đối với hội viên Hội Nông dân trong những năm qua. Từ đây, hàng nghìn hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập...

Một trong những điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Thủy - hội viên Hội Nông dân thôn Tiền (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa). Chị cho biết, năm 2006, gia đình mạnh dạn thuê thêm ruộng để trồng bưởi Diễn. Ban đầu, chị trồng 500 cây với diện tích 1ha. Sau thời gian tìm hiểu cách làm, chị giảm dần số cây xuống còn 350 cây để tập trung nâng cao chất lượng. Năm qua, vườn bưởi hơn 12 năm tuổi cho thu hoạch lớn, trung bình đạt 60-70 quả/cây, giá bán tại vườn 15.000 đồng/quả, như vậy, mỗi cây thu 700.000 đồng. Ngoài trồng bưởi Diễn, chị trồng thêm 1,5ha nhãn chín sớm và hơn chục con lợn nái rừng. Hiện, trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình chị thu được hơn 700 triệu đồng/năm. Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy là một trong những hộ nông dân tiêu biểu của thành phố về làm kinh tế nông nghiệp.

Tương tự, tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Mê Linh… xuất hiện hàng trăm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Theo Hội Nông dân thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, có hơn 255.669 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, hội viên nông dân các cấp đã đăng ký xây dựng 329 mô hình kinh tế tập thể, trong đó 184 mô hình trồng trọt, 82 mô hình chăn nuôi và 63 mô hình kinh doanh dịch vụ…

Đánh giá về phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho rằng, phong trào đã đóng góp tích cực cho các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như: Tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Không chỉ trên mặt trận kinh tế, hội viên nông dân còn triển khai nhiều chương trình văn hóa, xã hội có ý nghĩa. Cụ thể, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia tích cực giải quyết vấn đề môi trường tại nông thôn bằng việc làm thiết thực: Xây dựng, chăm sóc các tuyến đường hoa; thu gom rác thải; xây dựng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Điển hình như Hội Nông dân huyện Phú Xuyên, đến nay, Hội đã thực hiện trồng và chăm sóc hơn 8.810m đường hoa trong các thôn, xóm; 810m con đường bích họa; đặt 468 thùng rác và 121 điểm thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng… Hay như Hội Nông dân huyện Gia Lâm, trong năm 2018, Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp được 13 tỷ đồng, hiến 180m2 đất thổ cư, 16.000m2 đất nông nghiệp, hơn 20 nghìn ngày công lao động để làm đường và kênh mương nội đồng; làm mới và sửa chữa 34km đường…

Về hoạt động của Hội Nông dân thành phố từ đầu năm đến nay, theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 153 buổi truyền thông, tập huấn về công tác vệ sinh môi trường; sử dụng các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Các công tác: Vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu hút 17.200 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Bên cạnh đó, Hội vận động tham gia đóng góp hơn 750 ngày công và khoảng 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới…

Như vậy, nhờ yếu tố tích cực trong các phong trào, chương trình của Hội Nông dân thành phố đã thuyết phục hội viên, nông dân tham gia sôi nổi, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, hội viên được nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, tiếp tục góp sức cùng địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi nông dân là chủ thể