Những người thợ giày “ly nông bất ly hương”

Hồng Sơn| 15/04/2019 07:12

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ mở rộng về diện tích, không gian, dân số mà còn được bổ sung nguồn năng lực sản xuất mới.

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ mở rộng về diện tích, không gian, dân số mà còn được bổ sung nguồn năng lực sản xuất mới. Ấy là sự hiện diện của rất nhiều làng nghề truyền thống, và cho đến hôm nay, những người thợ vẫn gắn bó với làng, “ly nông bất ly hương”, làm giàu trên chính mảnh đất gắn bó bao đời. Điển hình như làng nghề giày da Phú Yên, huyện Phú Xuyên...

Sản xuất giày da tại làng nghề Phú Yên (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Minh Hà


Một ngày với những người thợ...

Tính đến nay, toàn huyện Phú Xuyên có 156/156 làng, cụm dân cư, tức là 100% đơn vị có nghề; trong đó có tới 43 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Cả huyện có 24.900 hộ gia đình làm tiểu thủ công nghiệp và thu về giá trị sản xuất 4.550 tỷ đồng trong năm 2018. Thu nhập bình quân của một lao động làng nghề nơi đây đạt 52 triệu đồng/năm. Có thể nói đó là một con số đáng ghi nhận; chắc chắn cao hơn hẳn làm nông thuần túy cũng như xét trong hoàn cảnh nguồn quỹ đất của huyện không rộng rãi gì...

Để có thông tin đầy đủ về đời sống của những người thợ đóng giày, cuối tháng 3-2019, chúng tôi tìm đến làng nghề làm đồ da ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Địa điểm đầu tiên dừng chân là một cửa hàng khá rộng, ngay mặt đường thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên của gia đình anh Nguyễn Như Diên. Mới bước vào đã thấy ngay các loại giày da nam, nhiều kiểu dáng, kích cỡ bày sẵn trên các kệ dọc hai bên tường nhà. Giày la liệt, màu nâu, trắng, xanh đậm nhưng nhiều nhất là màu đen, sáng bóng, nhìn rất bắt mắt. Câu chuyện làm nghề, phát triển nghề ra sao được anh chân thành bộc bạch... Nghề làm giày da nơi đây đã bắt đầu từ năm 1926, do một số người làng đi làm ăn xa, tích cóp kinh nghiệm và vốn liếng mang về khởi nghiệp tại quê nhà. Qua nhiều giai đoạn, nghề làm giày da vẫn giữ được dù không khỏi lúc thăng trầm, nhất là thời bao cấp. Rồi cơ chế mới, với nhiều điều kiện thuận lợi và sự hỗ trợ trong bảo tồn, phát triển làng nghề của các cấp chính quyền từng bước thổi bùng khát vọng kinh doanh của người dân. Từ chuyển biến về nhận thức, nhiều gia đình mạnh dạn bỏ vốn, phát huy kinh nghiệm và ứng dụng máy móc, thiết bị để nâng cao trình độ sản xuất của mình.

Gia đình anh Diên là một điển hình. Năm 1996, anh khởi nghiệp sau một thời gian dài tham gia vào chuỗi công đoạn làm ra chiếc giày, học hỏi kinh nghiệm và bí quyết làm nghề mà trưởng thành từng bước. Năm 2000 anh mở xưởng giày nhỏ trên khuôn viên nhà mình. Sản xuất ngày càng phát triển, anh dồn vốn, mua đất mặt đường mở cửa hàng bán giày kết hợp làm địa chỉ giao dịch. Năm 2007, gia đình anh chính thức xác lập nhãn hiệu giày da Son Linh và từ năm 2018 đã hoàn thành thủ tục để sử dụng tem dán truy xuất hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Anh Diên cho biết, quy định thương mại hiện nay ngày càng khắt khe, nên gia đình phải chủ động đáp ứng tốt các yêu cầu về quản lý của Nhà nước và cũng là tự bảo vệ uy tín của cơ sở. Hiện, gia đình sản xuất 3 loại sản phẩm chính là giày công sở, giày thể thao và giày “mọi” - loại giày cho khách hàng là thanh niên, kiểu dáng tươi trẻ, gồ ghề để có thể phối hợp với quần bò, áo phông.

Ông Nguyễn Đại Hoan, chủ hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị đóng giày thì bộc bạch, người thợ giày Phú Yên hôm nay vẫn sống được bằng nghề. Tuy nhiên vấn đề cốt tử là làng nghề đang chịu sự chèn ép, cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc. Họ ngày càng chủ động cạnh tranh bằng mẫu mã và giá thành khiến không ít người, nhà làm nghề truyền thống bị ảnh hưởng. Vì vậy mỗi hộ sản xuất như gia đình ông đang tăng cường ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại để từng bước thay thế dần một số công đoạn vẫn thực hiện thủ công nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, bảo đảm sự đồng đều của sản phẩm...

Chuyên môn hóa và những thách thức...

Hỏi thêm thì được biết, những hộ sản xuất lớn như nhà anh Diên không còn tự làm từ A đến Z trong quá trình sản xuất giày nữa mà là đi vào chuyên môn hóa; chia lại các phần việc cụ thể đến các hộ nhỏ lẻ khác để gia công. Tất cả đồng hành, cùng tiến. Anh Diên khẳng định, những năm qua hoạt động làm giày nói riêng, đồ da nói chung (gồm giày, ví, thắt lưng) luôn trên đà tăng trưởng khá tốt, thu hút thêm nhiều lao động địa phương tham gia; hơn thế còn du nhập cả người nơi khác về hợp tác. Hiện, phương thức bán hàng cũng cập nhật theo hướng hiện đại, thông qua việc quảng bá qua mạng internet, làm theo hợp đồng thương mại hoặc phân phối qua các đại lý... Giày sản xuất ở đây đã đến tay người tiêu dùng nhiều tỉnh phía Bắc, vào cả miền Nam, đồng thời được đại lý thu mua để bán sang Lào...

Song, chuyện làm nghề, giữ nghề để phát triển lâu dài còn cả chặng đường phía trước. Theo anh Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Giày da xã Phú Yên - tổ chức nghề nghiệp có hơn 200 hội viên - thì kết quả kinh doanh năm 2018 vừa qua trên địa bàn giảm 20-30% so với năm trước mà nguyên nhân chính là sự xuất hiện, cạnh tranh của giày do Trung Quốc sản xuất.

Phú Yên hiện có 500 cơ sở, hộ gia đình tham gia vào các công đoạn làm đồ da và đều có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất. Song, câu chuyện này không đơn giản vì nguồn quỹ đất có hạn và hơn nữa hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn mà tiến độ triển khai thì chưa được như mong muốn. Ngoài ra, các hộ sản xuất cũng mong chính quyền thành phố, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu chung cho các làng nghề để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như tránh “đụng hàng” với sản phẩm của nơi khác. Lúc chia tay, anh Diên lại thổ lộ mong mỏi là giá như có thể thu hút được một doanh nghiệp lớn, có tầm tư duy và hoài bão lớn để làm đầu tàu; từ đó quy tụ các hộ gia đình làm nghề ở đây về một mối, để lan tỏa, để sản xuất quy mô lớn và ấp ủ giấc mơ xuất khẩu giày da qua đường chính ngạch mang thương hiệu “giày da Phú Yên”...

Chứng kiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của một làng nghề trên “đất trăm nghề”, đã thấy bức tranh còn đan xen hai mảng màu sáng - tối. Nhưng hướng đi lên vẫn là chủ đạo. Từ chỗ làm ăn ổn định, đời sống bảo đảm nên tệ nạn cũng giảm rõ rệt; tình trạng thanh niên lêu lổng, vi phạm pháp luật, nạn cờ bạc thuyên giảm rất nhiều. Lao động có đầu tư chất xám không chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế mà còn trở thành nội lực giữ nghề truyền thống, giữ nét văn hóa làng xã...

Phát huy tốt nghề truyền thống, từng bước làm giàu trên quê hương như những người thợ đóng giày Phú Yên, Phú Xuyên là một minh họa sống động cho chủ trương đúng đắn “ly nông bất ly hương”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người thợ giày “ly nông bất ly hương”