Canh Hoạch - đất nghề, quê trạng

Sơn Tùng| 14/04/2019 07:44

(HNM) - Làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) không chỉ nổi tiếng với nghề truyền thống làm quạt, làm lồng chim mà còn là miền đất sinh ra hai vị trạng nguyên và nhiều bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Bởi vậy, Canh Hoạch được người trong vùng mệnh danh là đất nghề, quê trạng...

(HNM) - Làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) không chỉ nổi tiếng với nghề truyền thống làm quạt, làm lồng chim mà còn là miền đất sinh ra hai vị trạng nguyên và nhiều bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Bởi vậy, Canh Hoạch được người trong vùng mệnh danh là đất nghề, quê trạng...

Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) có từ lâu đời. Người được coi là ông tổ làng nghề phải kể đến cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Sau này, cụ Nguyễn Văn Tý truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi). Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Nghi nức tiếng trong vùng bởi có “đôi tay vàng”. Ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (con trai cả của cụ Ba Mi) đang tiếp nối nghề truyền thống ông cha truyền lại. Là người được phong danh hiệu nghệ nhân duy nhất trong làng, giờ đây ông Nguyễn Văn Nghệ không chỉ làm lồng chim mà còn phát triển thêm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. “Lồng chim làng Canh Hoạch có đặc trưng riêng ít nơi nào sánh được - đó là sự bền, đẹp, sang trọng, có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích nuôi chim cảnh” - ông Nghệ tự hào.

Trải qua thăng trầm, nhưng dù khó khăn đến đâu, người làng Canh Hoạch vẫn quyết tâm giữ nghề. Theo Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ, hiện cả làng có hơn 1.000 hộ làm lồng chim, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Các hộ làm lồng chim ở Canh Hoạch thường chủ động hoàn toàn từ khâu chọn tre, trúc cho đến khi hoàn thành sản phẩm bán cho khách hàng. Lồng chim của Canh Hoạch được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây luôn ở mức khá và đóng góp xây dựng làng quê ngày càng khang trang...

Không chỉ nổi tiếng với nghề truyền thống làm lồng chim, Canh Hoạch còn được coi là vùng địa linh. Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Nhạ - bậc cao niên trong làng: Từ thời Hùng Vương, đất Canh Hoạch từng lưu chân các vị hoàng tử và danh tướng khi đi tuần thú. Một trong những vị đó sau này được người dân tôn thờ là thành hoàng đình Canh Hoạch. “Đất linh sinh nhân tài” - thời nào làng Canh Hoạch cũng có người đỗ đạt làm quan. Điển hình, gần đình làng là nhà thờ Trạng nguyên và cũng là nhà thờ họ Nguyễn, có ba nhà Khoa bảng: Bá Ký, Đức Lượng và Khuông Lễ. Trong nhà thờ này có đôi câu đối, tạm dịch là: “Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, Khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách. Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc ấm đầy nhà”. Nhà thờ họ Nguyễn hay còn gọi là nhà thờ Trạng nguyên ở Canh Hoạch được khởi dựng từ đời Hậu Lê, đến năm 1821, được triều Nguyễn tu sửa trên nền kiến trúc cũ. Ngày nay, nhà thờ họ Nguyễn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trải qua hàng trăm năm, truyền thống khoa bảng luôn là dấu son của Canh Hoạch và là niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây. Cùng với đó, nghề truyền thống đã nuôi dưỡng nhiều người con quê hương, đóng góp nhân tài cho đất nước qua các thời kỳ. Tiếp bước ông cha, hằng năm, ở Canh Hoạch luôn có hàng chục học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Riêng trong 5 năm qua, Canh Hoạch đã khen thưởng hàng trăm lượt học sinh giỏi và các em đỗ đại học điểm cao - đây chính là mạch nguồn quý giá duy trì sức sống và sự trường tồn của Canh Hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Canh Hoạch - đất nghề, quê trạng