Trăn trở ở xã nghèo Phú Đông

Ánh Dương| 07/04/2019 07:58

(NSHN) - Là địa phương khó khăn của huyện Ba Vì, thu nhập bình quân ở xã Phú Đông mới đạt 27,73 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,1%, hộ cận nghèo 12,46%. Xã vẫn còn 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt, trong đó có tới 3 tiêu chí 0 điểm. Làm thế nào để đạt chuẩn xã nông thôn mới đang là trăn trở của chính quyền và người dân nơi đây.

(NSHN) - Là địa phương khó khăn của huyện Ba Vì, thu nhập bình quân ở xã Phú Đông mới đạt 27,73 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,1%, hộ cận nghèo 12,46%. Xã vẫn còn 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt, trong đó có tới 3 tiêu chí 0 điểm. Làm thế nào để đạt chuẩn xã nông thôn mới đang là trăn trở của chính quyền và người dân nơi đây.

Tỷ lệ hộ nghèo cao

Đồng Phú là thôn nhỏ nhất xã Phú Đông với 112 hộ dân, nhưng có tới 8 hộ nghèo. Trưởng thôn Đồng Phú Đỗ Văn Sớm chia sẻ: Thôn không có nghề phụ, vì thế những hộ mới thoát nghèo chủ yếu do lao động trong độ tuổi tìm được việc làm như thợ xây, may công nghiệp, xuất khẩu lao động… Nhờ đó, thu nhập của những người này ổn định. "Tuy nhiên, những hộ nghèo đang đặt ra bài toán nan giải cho thôn, bởi trong số đó có tới 6 hộ thuộc diện đơn thân, tuổi cao, sức yếu; 2 hộ ốm đau phải điều trị ở bệnh viện thường xuyên, vừa không thể lao động kiếm sống, vừa phải thuốc men tốn kém nên kinh tế kiệt quệ. Đó là những hộ nghèo “bền vững” của thôn. Chúng tôi chưa biết làm thế nào để giúp họ thoát nghèo” - ông Đỗ Văn Sớm bùi ngùi.

Còn Phú Nghĩa là thôn lớn nhất xã với hơn 800 hộ dân. Không có nghề phụ nên người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ và lao động tự do. Vài năm trở lại đây, một số hộ trong thôn mở xưởng may công nghiệp, mỗi xưởng tạo việc làm cho 5-7 lao động nữ với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, nhưng không ổn định do phụ thuộc nhu cầu thị trường... Riêng thôn Đông Lâu khá hơn nhờ có nghề phụ và hơn 50% số hộ phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, khoảng 20 hộ làm trang trại với quy mô từ 3.000 đến 50.000 con gà hoặc từ 30 đến 100 con lợn. Đến nay, 65% số hộ trong thôn có nhà ở kiên cố, còn lại là nhà cấp bốn. Dù vậy, đến nay Đông Lâu vẫn còn 20 hộ nghèo.

Do còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế phát triển chậm nên xã Phú Đông chưa có điều kiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng; đường trục liên thôn, đường nhánh nội đồng chưa được cứng hóa; hầu hết nhà văn hóa của các thôn đều trong tình trạng cũ, chật hẹp, xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng...

Nỗ lực vươn lên

Trước những khó khăn trên, với sự đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân xã Phú Đông đã và đang nỗ lực không ngừng khi đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động làm đường bê tông ngõ, xóm và hơn 1.000m giao thông trục chính nội đồng. Trong đó, người dân thôn Đồng Phú góp tiền thay mái tôn nhà văn hóa; người dân thôn Đông Lâu góp tiền mua bộ loa, đài…

Đáng quý ở xã Phú Đông là tinh thần nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế. Trưởng thôn Đồng Phú Đỗ Văn Sớm cho biết, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, thôn có quỹ đất nông nghiệp công ích ở các khu đồng: Mả Me, Tràn Mạ, Sọi với tổng diện tích hơn 10ha. Nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch làm mô hình gia trại, các hộ chăn nuôi sẽ chuyển ra khỏi khu dân cư, vừa giúp thôn đạt tiêu chí môi trường, vừa giúp các hộ có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập…

Còn thôn Phú Nghĩa đã được quy hoạch 60ha làm trang trại, nuôi trồng thủy sản, nhưng do giao thông, thủy lợi nội đồng chưa được kiên cố hóa nên vào mùa mưa thường ngập nước, gây thiệt hại cho nông dân. Ông Phạm Văn Dũng, một trong những chủ trang trại ở xóm Sọi mong muốn "giao thông, thủy lợi nội đồng sớm được nâng cấp, cải tạo... để bà con yên tâm đầu tư phát triển kinh tế".

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Đông Phùng Xuân Quang, do địa phương còn nhiều khó khăn, nên xã giao các tổ chức, đoàn thể tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ cá thể. Trên cơ sở đó, các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn họ sử dụng vốn hiệu quả để phát triển kinh tế; phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở các lớp học nghề, tạo việc làm cho lao động hộ nghèo, giúp họ có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

"Mục tiêu năm 2020 của Phú Đông là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, có 2/3 làng văn hóa, thu nhập bình quân đạt 30,5 triệu đồng/người/năm... Ngoài nỗ lực của chính quyền và nhân dân Phú Đông, nếu có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, chắc chắn Phú Đông sẽ thuận lợi hơn trên lộ trình đạt chuẩn xã nông thôn mới" - Chủ tịch UBND xã Phú Đông Phùng Xuân Quang nêu quyết tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở ở xã nghèo Phú Đông