Nông nghiệp phát triển, nông dân thêm thu nhập

Minh Phú| 01/04/2019 10:16

(HNM)-Sau dồn điền đổi thửa, cùng với những hỗ trợ cụ thể cho nông dân, huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

(HNM)-Sau dồn điền đổi thửa, cùng với những hỗ trợ cụ thể cho nông dân, huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Cách đây hơn 5 năm, ông Lê Đức Trịnh ở thôn Duyên Yết (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) đã mạnh dạn đưa cây măng tây về trồng trên đất bãi. Ông Thịnh cho biết, măng tây không cần thuốc bảo vệ thực vật, trồng một lần cho thu hoạch trong 6-8 năm. Từ khi chuyển sang trồng măng tây, kinh tế gia đình ông Thịnh ngày một khá hơn. Từ hiệu quả của mô hình này, đến nay, cả xã Hồng Thái có 5ha trồng măng tây, trong đó, một phần diện tích được trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, tại xã Khai Thái, nông dân chọn rau cần là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Khai Thái có 30ha rau cần, cung cấp cho thị trường 15 tấn rau/ngày. Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng) đã sản xuất thành công và đưa ra thị trường nhiều loại rau mầm như: Dền, cải ngọt, cải trắng... với sản lượng 8-10kg/ngày. "Sản xuất rau mầm nhằm tận dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của hệ thống mạ khay, máy cấy giữa các vụ lúa (Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng đầu tư hệ thống mạ khay - máy cấy để làm dịch vụ phục vụ xã viên trong và ngoài xã). Ngoài rau mầm, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng còn thử nghiệm sản xuất giá thể trồng rau sạch trong khay và thùng xốp cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 100 gia đình trên địa bàn huyện", Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Có thể nói, những mô hình mới phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Phú Xuyên đang có hiệu quả rõ rệt. Sau dồn điền đổi thửa, huyện Phú Xuyên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích 2.830ha sang các mô hình: Vườn - ao - chuồng, nuôi thủy sản, trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, rau an toàn...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, cho biết, từ năm 2017, HĐND huyện Phú Xuyên đã ban hành nghị quyết chuyên đề hỗ trợ một số mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020. Trong đó, xác định măng tây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tăng thu nhập cho người dân, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất. Hiện Phú Xuyên đang thực hiện dự án mở rộng vùng trồng măng tây lên 30ha. Để giúp nông dân chủ động mở rộng diện tích, từ giữa năm 2017, thành phố Hà Nội hỗ trợ cho Phú Xuyên 30.000 hạt giống măng tây nhập khẩu từ Hà Lan.

Đối với vùng trồng rau cần xã Khai Thái, huyện thành lập hợp tác xã chuyên ngành để tổ chức sản xuất; đồng thời, hỗ trợ 6 tỷ đồng cho Khai Thái xây dựng đường giao thông, thủy lợi vùng sản xuất, kinh phí làm lều, bể sơ chế rau và tư vấn chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm...

Đối với cây lúa, để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, Phú Xuyên đã hỗ trợ 80% tiền giá thể đối với cấy máy, nâng diện tích cấy máy toàn huyện lên 1.350ha, chiếm 10% tổng diện tích. Ngoài ra, cơ giới hóa còn thực hiện trong các khâu gặt, làm đất, đẩy năng suất lúa cấy máy tăng 200-300kg/ha, giảm chi phí sản xuất 3-3,5 triệu đồng/ha... Đến nay, Phú Xuyên đã có 4 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; 3 sản phẩm đã đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc; 5 cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết...

Nhìn chung, với sự hỗ trợ kịp thời trong sản xuất cùng nhiều mô hình mới hình thành, bước đầu đã tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân, góp phần thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp phát triển, nông dân thêm thu nhập