Sức bật vùng đất Nam Phương Tiến

Đỗ Minh| 29/03/2019 07:34

(HNM) - Nam Phương Tiến là xã bán sơn địa của huyện Chương Mỹ. Với địa hình phức tạp, Nam Phương Tiến thường xuyên chịu ngập úng vào mùa mưa bão và chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang.

(HNM) - Nam Phương Tiến là xã bán sơn địa của huyện Chương Mỹ. Với địa hình phức tạp, Nam Phương Tiến thường xuyên chịu ngập úng vào mùa mưa bão và chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Vượt lên những khó khăn, Nam Phương Tiến đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sức bật trong phát triển kinh tế.

Thôn Núi Bé (xã Nam Phương Tiến) là vùng đất khô cằn, khó có cây trồng nào phát triển tươi tốt. Trước đây, người dân địa phương chỉ trồng cây ngô, cây sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, thôn Núi Bé có địa hình dốc, mỗi khi mưa, nước từ trên đồi núi đổ xuống rửa trôi lớp đất màu, dần dần vùng đất này trở thành những bãi đá sỏi. Có thời điểm, người dân loay hoay không biết trồng cây gì để được thu hoạch, nên bỏ hoang hàng chục héc ta đất. Khắc phục tình trạng này, được sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, xã Nam Phương Tiến mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn vào trồng. Bằng sự nỗ lực và chịu khó học hỏi của người dân, đến nay, cây bưởi Diễn đã phát triển mạnh mẽ không chỉ ở thôn Núi Bé, mà cả những thôn lân cận của xã.

Anh Nguyễn Hải Sơn là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xã Nam Phương Tiến mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn chia sẻ: Ban đầu, người dân khó tin cây bưởi Diễn có thể phát triển, ra hoa, đậu quả tại mảnh đất sỏi đá. Song, được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, các hộ gia đình dần dần biến bưởi Diễn thành cây trồng có thế mạnh tại xã Nam Phương Tiến. “Hiện gia đình tôi có hơn 450 gốc bưởi, sản lượng thu hoạch khoảng 3 vạn quả. Với giá bán tại vườn 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 500 triệu đồng” - anh Nguyễn Hải Sơn cho biết.

Nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, đến nay toàn xã Nam Phương Tiến có 150ha trồng bưởi Diễn. Năm 2018, thu nhập từ trồng cây bưởi Diễn của xã đạt 25 tỷ đồng. Cùng với bưởi Diễn, Nam Phương Tiến đang xây dựng các vùng trồng rau an toàn, phát triển trồng rừng, trồng cây dược liệu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Tận dụng đất đai rộng rãi, xã Nam Phương Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, xã thuộc vùng bán sơn địa, địa hình không bằng phẳng, thấp dần về phía đông và được chia thành 2 khu riêng biệt. Khu A là vùng chiêm trũng có sông Bùi bao bọc, hằng năm thường bị ngập lụt kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8. Khu B thuộc vùng đồi gò, núi đá vôi, ruộng bậc thang, đất đai không bằng phẳng, có nguồn nước suối và chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Dựa vào đặc thù từng vùng, xã đã quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Theo đó, khu A phát triển chăn nuôi, thủy sản, còn khu B trồng cây ăn quả. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã là 63,14ha; tổng đàn trâu, bò là 839 con, đàn lợn 14.200
con, đàn gia cầm, thủy cầm 189.126 con...

Cuối năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến được thành lập. Hợp tác xã có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và dẫn dắt đưa Nam Phương Tiến trở thành xã chuyên canh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ toàn diện, đồng thời gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái. Từ đó, giúp người dân sản xuất bền vững, hiệu quả. Thu nhập của người dân xã Nam Phương Tiến từng bước được cải thiện, hiện bình quân đạt 39,6 triệu đồng/người/năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức bật vùng đất Nam Phương Tiến