Phú Xuyên với bài toán nông thôn mới

Minh Phú| 04/03/2019 10:06

(HNM) - Năm 2019, huyện Phú Xuyên tập trung cho 6 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài nội lực của toàn huyện, Phú Xuyên rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía...

(HNM) - Năm 2019, huyện Phú Xuyên tập trung cho 6 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài nội lực của toàn huyện, Phú Xuyên rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía...

Mục tiêu lớn

Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Bá Cao, năm 2018, mô hình gieo mạ khay, cấy máy ở Đại Thắng đã giảm chi phí 3,21 triệu đồng/ha so với cấy lúa bằng tay. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng chủ động sản xuất giá thể, mạ khay, thành lập các tổ dịch vụ làm đất, cấy máy, phục vụ 100% nhu cầu xã viên trong xã. Vụ xuân 2019, Đại Thắng tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất, triển khai đến toàn xã viên, nông dân trong ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao giá trị; đồng thời, phát huy lợi thế đa nghề, tăng thu nhập cho nhân dân.

Nông dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) trồng cà rốt cho giá trị cao. Ảnh: Thái Hiền



Không riêng Đại Thắng, những năm qua, nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Phú Xuyên đã chuyển đổi được 2.830ha lúa và rau màu sang các mô hình vườn - ao - chuồng, thủy sản, lúa hàng hóa, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư... cho hiệu quả cao. Phú Xuyên đã có 4 sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm đã đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc. Để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, huyện hỗ trợ 80% tiền giá thể đối với các diện tích cấy máy, đạt 1.350ha, chiếm 10% tổng diện tích; toàn huyện có 455 máy làm đất, 148 máy cấy, 2 máy gieo mạ khay tự động, 30 máy gặt đập liên hoàn... giúp tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, đến hết năm 2018, huyện có 20/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện phấn đấu 6 xã còn lại (Thụy Phú, Phượng Dực, Đại Xuyên, Hoàng Long, Sơn Hà, Tri Thủy) hoàn thành việc này. Triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phú Xuyên chọn 2 xã Đại Thắng, Tri Trung, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Phú Xuyên đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện năm 2019, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt; đồng thời, tăng cường kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Phú Xuyên thực hiện chế độ giao ban 2 lần/tháng đối với cấp xã; 1 lần/tuần đối với cấp thôn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức thực hiện từng nội dung tiêu chí.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Hải Hoa, Phú Xuyên còn gặp một số khó khăn cần được hỗ trợ. Cụ thể, huyện đề nghị thành phố hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cứng hóa bờ đê sông Nhuệ, sông Hồng, sông Duy Tiên và các dự án xử lý sạt lở trên địa bàn. Ngoài ra, Phú Xuyên mới có 40/88 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia trong bối cảnh nguồn lực của địa phương hạn chế, huyện đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí cho các trường còn lại xây dựng trường chuẩn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và giúp các xã hoàn thành tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới...

Từ thực tiễn cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng Trần Bá Cao bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ kinh phí cho xã làm điểm nông thôn mới nâng cao, như: Trạm y tế của xã đầu tư đã lâu, một số hạng mục cần được nâng cấp; Trạm bơm Thụy Phú cũng cần đầu tư để lấy nước sông Hồng vào sản xuất thay cho nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm...

Kiểm tra tiến độ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tại huyện Phú Xuyên mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của huyện Phú Xuyên ngay từ đầu năm. Đồng chí đề nghị huyện Phú Xuyên cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiếp tục đầu tư, phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong nông nghiệp... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, tạo thêm nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên với bài toán nông thôn mới