Gỡ khó trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ba Vì

Kim Nhuệ| 20/02/2019 07:03

(HNM) - Sau hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Ba Vì đã đổi thay tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

(HNM) - Sau hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Ba Vì đã đổi thay tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới, Ba Vì vẫn cần nguồn lực rất lớn.

Mặc dù là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng nhờ sự quan tâm của thành phố, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, kết thúc năm 2018, huyện Ba Vì đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 15 xã còn lại, huyện Ba Vì phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó năm 2019 sẽ có 4 xã Minh Châu, Minh Quang, Tòng Bạt, Vạn Thắng.

Huyện Ba Vì cần nguồn lực lớn để phát triển hệ thống giao thông.


Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019, xã cần khoảng 33,2 tỷ đồng để xây dựng 1 trường mầm non đạt chuẩn, kiên cố hóa 4km giao thông nông thôn, trục chính nội đồng, xây mới 8km rãnh thoát nước khu dân cư, cải tạo và nâng cấp 2 nghĩa trang nhân dân, xây mới 4 nhà văn hóa cho 4 thôn… “Là xã thuần nông, thu nhập của nhân dân còn khó khăn… nên hiện nay xã Minh Châu vẫn chưa tìm ra nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, xã rất cần sự hỗ trợ của huyện và thành phố” - ông Nguyễn Danh Hưng cho biết.

Tương tự, xã Tòng Bạt cần 78 tỷ đồng, xã Vạn Thắng cần 118 tỷ đồng, xã Minh Quang cần 136 tỷ đồng để hoàn thành 5 tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và tiêu chí môi trường. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hoàng Trúc Phong cho biết, để 15 xã còn lại hoàn thành xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2020, huyện Ba Vì cần khoảng 1.670 tỷ đồng; trong đó 951,5 tỷ đồng xây dựng 3 cấp trường học đạt chuẩn, 321 tỷ đồng kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn, trục chính nội đồng, 227 tỷ đồng xây dựng các điểm tập kết rác thải, rãnh thoát nước khu dân cư, cải tạo và nâng cấp nghĩa trang nhân dân, 135 tỷ đồng xây dựng sân vận động xã, nhà văn hóa thôn, 37 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm xã.

Để các xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết đã yêu cầu 4 xã: Minh Châu, Minh Quang, Tòng Bạt, Vạn Thắng ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu cuối năm 2019 hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới. Đối với 11 xã còn lại, huyện yêu cầu các xã triển khai thực hiện các tiêu chí dễ làm, cần ít kinh phí và các dự án lồng ghép trên địa bàn để hoàn thành chỉ tiêu UBND huyện giao. Bên cạnh đó, các xã tập trung rà soát, điều chỉnh đề án, điều chỉnh quy hoạch để tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo…

Về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Ba Vì đang triển khai các giải pháp khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn xã hội hóa để ưu tiên đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới hoàn thành trong năm 2019. Huyện Ba Vì cũng đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, huyện Ba Vì mong muốn thành phố tiếp tục kêu gọi các quận có điều kiện phát triển kinh tế vững mạnh hỗ trợ các huyện khó khăn về nguồn lực đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ba Vì