Trù phú Phú Thị

Ánh Dương| 10/02/2019 08:07

(HNM) - Linh hoạt tiếp cận hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) ngày càng trù phú nên nhân dân có điều kiện đóng góp để xây dựng quê hương giàu đẹp, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

(HNM) - Linh hoạt tiếp cận hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) ngày càng trù phú nên nhân dân có điều kiện đóng góp để xây dựng quê hương giàu đẹp, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Nhà văn hóa thôn Phú Thụy (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) đạt tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Phương Uyên


Trước đây, người dân Phú Thị chủ yếu bám đồng ruộng, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, hiệu quả kinh tế không cao. Quyết tâm cải thiện, nhiều gia đình đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng màu sang trồng cây ăn quả.

Trưởng thôn Tô Khê Phùng Xuân Chiêu cho biết, cả thôn có hơn 200 mẫu đất canh tác. Từ sau khi địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa (năm 2015), các hộ tích cực trồng cây ăn quả chuối, bưởi, cam... Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí mua thêm cây giống, thuê đất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tập trung như gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh trồng bưởi Diễn, cam Canh trên tổng diện tích 6 mẫu; ông Nguyễn Xuân Tú trồng 4 mẫu cam Canh và chuối…

Ngoài ra, thôn Tô Khê còn có 50% số lao động làm nghề xây dựng và công nhân trong các nhà máy, xưởng sản xuất với mức thu nhập khá cao (5-8 triệu đồng/người/tháng). “Trước đây thôn có 9 hộ nghèo. Để giúp các hộ thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể trong thôn đã hỗ trợ vốn vay để họ chăn nuôi lợn, gà... nhờ vậy, hiện nay cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo” - ông Phùng Xuân Chiêu chia sẻ.

Riêng thôn Hàn Lạc, do không có nghề phụ nên chủ yếu trông vào nông nghiệp kết hợp với nguồn thu nhập của một số lao động trẻ làm việc trong khu công nghiệp tại Phú Thị. Đất nông nghiệp của thôn trước kia chỉ trồng rau, ngô, đỗ, lạc... hiệu quả thấp. Nhờ tham khảo cách trồng cây ăn quả ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) nên từ năm 2015 đến nay, nhiều hộ dân của thôn Hàn Lạc đã chuyển sang trồng cam Vinh, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn, hồng xiêm…

Với tinh thần không bỏ hoang, dù một tấc đất, hơn 100 mẫu đất vùng bãi, vùng đồng đều được nhân dân Hàn Lạc tận dụng triệt để, vừa trồng cây ăn quả, vừa trồng rau màu. Đến nay, thôn Hàn Lạc có 336 hộ, không có hộ nghèo, hơn 80% số hộ có nhà cao tầng.

Kinh tế khá giả, nhân dân Phú Thị có điều kiện đóng góp vật chất, sức lao động xây dựng quê hương. Đơn cử, tại địa bàn thôn Tô Khê, đường trục chính của thôn bị “thắt cổ chai”, đi lại khó khăn, gia đình ông Phùng Xuân Nghé đã tự nguyện hiến 12m2 đất ở để mở rộng mặt đường (từ 3m lên 4,5m) mà không đòi hỏi đền bù. Cảm kích tấm lòng của gia đình ông Phùng Xuân Nghé, nhân dân thôn Tô Khê cùng nhau đóng góp được 195 triệu đồng để xây lại tường rào và đổ bê tông đoạn đường mới được mở rộng. Hiện, giao thông trong thôn đã thuận tiện hơn...

Riêng thôn Hàn Lạc do kinh tế khá hơn nên nhân dân trong thôn đóng góp được gần 600 triệu đồng để làm đường bê tông, cổng vào nghĩa trang nhân dân thôn và kè đá bờ hồ đình làng. Trưởng thôn Hàn Lạc Đặng Hải Phận cho biết, chủ nhật hằng tuần, cả thôn cùng tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; các chi hội đoàn thể của thôn đều đăng ký đoạn đường tự quản. Năm 2018, Chi hội Phụ nữ thôn Hàn Lạc góp được hơn 10 triệu đồng mua cây, chậu, trồng hoa trang trí hai bên đường trục thôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…

"Với nền tảng tốt được tạo dựng từ công sức của cán bộ và nhân dân trong xã, năm 2019, xã Phú Thị tiếp tục nỗ lực nhằm mục tiêu thu nhập bình quân 47,5 triệu đồng/người/năm, các thôn giữ vững danh hiệu Làng văn hóa và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao..." - Chủ tịch UBND xã Phú Thị Lê Văn Huy kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trù phú Phú Thị