Chợ Tết xứ Đoài

Nguyễn Mai| 03/02/2019 22:13

(HNM) - “Chợ Nủa hàng dậm, hàng nơm/ Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu/ Chợ Nghệ thì bán bò, trâu/ The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều/ Sơn Đồng chợ họp về chiều/ Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao”...

(HNM) - “Chợ Nủa hàng dậm, hàng nơm/ Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu/ Chợ Nghệ thì bán bò, trâu/ The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều/ Sơn Đồng chợ họp về chiều/ Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao”...

"Lần" theo câu ca dao mà về với những phiên chợ xứ Đoài. Những ngày giáp Tết, chợ quê náo nức, vui như hội...

Nếu như đi siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua sắm đã phổ biến nơi phố thị thì chỉ cách nội thành Hà Nội vài ba chục cây số, chợ phiên là “một phần tất yếu của cuộc sống” tại các vùng thôn quê. Đặc biệt, những phiên chợ ngày áp Tết luôn đông vui hơn, hối hả hơn.


Phiên chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) họp buổi sáng các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hằng tháng. Hàng gì cũng có, từ mớ rau, con cá đến vật nuôi, đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo quần... Khi Tết cận kề cũng là lúc chợ Nủa đông vui nhất. Ngay phía ngoài cổng chợ, những dãy hàng hoa, cây cảnh đã bày kín lối. Có hàng trăm loại hoa cùng vô vàn chậu cây cảnh bày bán phục vụ bà con chơi Tết. Chị hàng hoa đon đả mời khách với giá chỉ hơn trăm nghìn một giỏ hoa lan khá đẹp mắt, nên rất nhiều người ngoái lại, ngắm nghía, trả giá... Qua dãy hàng hoa, hàng cây cảnh, tiến sâu vào chợ là bạt ngàn những hàng cau, chuối xanh, bưởi... bày mâm ngũ quả. Những chú gà trống lông óng mượt, mào đỏ tươi được bày bán khá nhiều. Chẳng cần bu, lồng để nhốt, gà được các bà, các chị khéo léo buộc chân và cánh lại, con nào con nấy xếp thành hàng nằm im thít cho người mua chọn lựa...


Ở chợ Nủa, độc đáo nhất là dãy bán hàng nan với vô vàn rổ, rá, nong, nia, rồi những chiếc nơm, chiếc dậm để bắt cá; những chiếc chổi tre, phên, cót... tưởng như không ở đâu còn bán. “Một cây chổi xể (làm bằng nan tre - PV), tôi bán mười hai nghìn, một cái rế dùng bắc nồi cơm được bện bằng tre giá mười lăm nghìn, một cái dần gạo ba mươi lăm nghìn, một rổ, sảo năm mươi lăm nghìn...” - bà Lê Thị Hòa liệt kê... Bà Hòa đến từ xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) đã bán hàng ở chợ Nủa hơn 20 năm nay. “Xã hội phát triển, chợ Nủa cũng đổi thay nhiều, hàng hóa nhiều hơn” - bà Hòa cười phúc hậu...


Rời chợ Nủa, chúng tôi rảo tới chợ Hát (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ). Chợ Hát luôn sôi động, nhưng đông nhất là phiên chợ cuối năm. Không chỉ người trong xã, rất nhiều người từ xã lân cận trong huyện đến, rồi người từ Đan Phượng sang... Người đi bán, mua hàng Tết nhiều và người đi chơi chợ cũng đông. Vào những ngày này, người bán hàng đã phải ra chợ từ khi trời chưa sáng để "chọn chỗ" và ngồi "giữ chỗ". Từ tờ mờ sáng, không khí bán - mua đã tấp nập, chợ họp kéo dài tới tận chiều tối. Cau, trầu, rau, thịt, măng, miến... nhưng có lẽ chuối, bưởi, quất, hoa - những thứ không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết là nhiều hơn cả. Qua dãy hàng bán bưởi, chuối, gạo nếp, lá dong, đã như thấy mùa xuân ở đâu đây...

Từ chợ Hát (huyện Phúc Thọ) xuôi về Đan Phượng, tới các chợ Bá, chợ Dày, chợ Gối cũng đặc sắc không kém. Bà Nguyễn Thị Xuân ở cụm 3, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) cho hay, xưa kia, tổng Gối có nghề dệt, nên chợ Gối bày bán rất nhiều sợi. Người dân trong làng đến mua sợi về dệt vải rồi lại mang vải ra chợ bán cho thương lái mang đi các nơi. Trong các làng của tổng Gối xưa, làng Thúy Hội có nghề rèn, bởi thế, các nông cụ như dao, cuốc, cày... vẫn là hàng hóa đặc trưng. Ở khu vực này, cứ mua nông cụ, người ta lại nhớ ngày 1, 4, 6, 9 - phiên chợ Gối. Ngày nay, nghề dệt và nghề rèn ở địa phương đều đã mai một, chợ không còn nhiều hàng buôn bán sợi, vải nữa nhưng vẫn nhộn nhịp có tiếng trong vùng bởi dù việc mua bán đã thuận lợi, dễ dàng hơn xưa rất nhiều, nhưng chợ quê vẫn được mong ngóng.


Chợ phiên xứ Ðoài mang những tên nôm mộc mạc, dân dã. Vùng Thạch Thất nổi tiếng với chợ Nủa, chợ Chàng, chợ Săn; sang mạn Ðan Phượng có chợ Dày, chợ Gối, chợ Phùng, chợ Bá; huyện Hoài Ðức có chợ Sấu, chợ Trôi; đất Sơn Tây có chợ Mía, chợ Nghệ; Phúc Thọ có chợ Triệu, chợ Hát, chợ Bãi...

Vài ba quả cau, nải chuối vườn nhà là có thể mang ngay ra chợ ngày thường để bán nhưng nhiều người vẫn "dành" tới chợ phiên. Sự náo nhiệt, tiếng mời chào, mặc cả lao xao, lời thăm hỏi của những người thân quen đã lâu mới có dịp gặp nhau qua phiên chợ Tết khiến chỗ nào cũng rộn rã... Thi thoảng, có những người đi làm ăn xa về, họ ra chợ mua nải chuối, quả cau, lá trầu về cúng tổ tiên; mua lá dong, lá chuối về gói bánh chưng, bánh gai... để được đúng nghĩa “ăn Tết nhà”.

Chợ quê ngày Tết gắn với ký ức đẹp của rất nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi. Bà Vũ Thị Hường (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) nhớ lại: Chợ Triệu họp 12 phiên mỗi tháng, bán đủ mặt hàng, từ thịt, cá, tôm, cua đến gà, vịt, hoa quả, thuốc Bắc, thuốc Nam... Chợ có các gian hàng rèn, khi mùa đến, người đi cắt chấu liềm, làm lại cuốc, sửa lại cào. Ngày giáp Tết thì đông vui vô cùng. Trong ký ức, bà vẫn còn nhớ những “phên chim cò” nặn bột gạo đủ màu được bày bán rất nhiều. Các bà, các mẹ khi đi chợ không mấy khi quên mua cho con trẻ, chơi xong có thể ăn luôn được. Cuộc sống thay đổi, chợ quê cũng đổi thay, nhưng chợ Triệu ngày cuối năm - 29 Tết vẫn được trông ngóng.

Giờ đây, sự sôi động của công nghệ "không dây" cùng nền kinh tế thị trường khiến không khí nhiều chợ quê dần mai một... Chợ Nủa, chợ quê độc đáo bậc nhất xứ Đoài đang có dự án xây dựng trung tâm thương mại hiện đại. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi thì chợ quê là nơi cất giữ nhiều ký ức đẹp của một thời xa ngái, gian nan...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ Tết xứ Đoài