Tết vui bản Mường

Nguyễn Mai| 03/02/2019 07:04

(NSHN) - Xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) những ngày giáp Tết, không khí vui tươi, náo nức hơn hẳn ngày thường. Với hơn 70% dân số là người Mường, nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán đặc sắc.

(NSHN) - Xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) những ngày giáp Tết, không khí vui tươi, náo nức hơn hẳn ngày thường. Với hơn 70% dân số là người Mường, nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán đặc sắc.

Đặc sắc Tết Mường

Khi những nụ đào e ấp sắc hồng là lúc các bà, các chị ở Tiến Xuân đi chợ Gò Chói để sắm quần áo mới cho mình và những người trong gia đình. Họ cũng không quên mua thêm vật dụng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm... cho những ngày Tết Nguyên đán. Cùng chị em, bà Bùi Thị Bích Thìn ở thôn Đồng Dâu (xã Tiến Xuân) đến chợ mua giang về chẻ lạt, làm cặp nướng thịt, mua lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh gai, bánh ốc, bánh chéo kheo và nhiều loại bánh đặc trưng của người Mường... Ở nhà, mỗi người một việc, vệ sinh nhà cửa, quét dọn ngõ xóm sạch sẽ theo “lịch” của thôn rồi dựng cây nêu trước nhà để đón Tết thật trang trọng, vui tươi, đầm ấm...

Là người đang nắm giữ "kho báu" văn hóa Mường, bà Bùi Thị Bích Thìn - người con của dân tộc Mường Tiến Xuân (đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015) cho hay, Tết ở xứ Mường theo thời gian có nhiều đổi thay, tuy vậy bà con rất quan tâm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống. Sau bữa cơm đầu tiên của năm mới, con cháu, anh em họ hàng đi chúc Tết từng gia đình. Đặc biệt, không thể thiếu những âm thanh của cồng, chiêng, hát sắc bùa... trong ngày đầu năm mới. Theo quan niệm của người Mường, tiếng cồng, chiêng sẽ xua đuổi những điều không may trong năm cũ và cầu cho năm mới mùa màng tốt tươi; mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc...

Cứ thế, ngày xuân ở xứ Mường Tiến Xuân như trải dài với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Sau phần nghi lễ tại gia tiên và thăm hỏi chúc Tết người thân, từ mùng ba đến mùng sáu Tết là màn thi đấu giao hữu bóng chuyền, ném còn, đẩy gậy, kéo co, chơi đu, bịt mắt bắt dê... Mùng bảy Tết, sau lễ hạ cây nêu (lễ khai hạ), người dân bắt tay vào lao động, sản xuất, học tập...

Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết thêm, để bà con vui xuân, đón Tết, cứ 3 năm một lần, Tiến Xuân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quy mô xã; các năm còn lại, xã hỗ trợ kinh phí để các thôn tổ chức theo quy mô thôn. 2019 là năm tổ chức quy mô xã, Tiến Xuân đã chuẩn bị chu đáo với nhiều trò chơi dân gian, thu hút bà con tham gia rất đông. Hoạt động này đã trở thành nét văn hóa của xã mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bản làng giàu đẹp

Năm 2008, khi từ Hòa Bình “về” Hà Nội, đời sống đồng bào dân tộc Mường ở Tiến Xuân vẫn nhiều khó khăn: Hạ tầng thiếu thốn, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập chưa cao... Hôm nay, Tiến Xuân đã khác xưa. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng đủ đầy, phong phú... Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Quách Đình Thắng cho hay, cùng với nỗ lực của cán bộ, nhân dân và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước (hơn 200 tỷ đồng), năm 2015, Tiến Xuân đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Nhờ hạ tầng khang trang, Tiến Xuân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hiện, xã đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại 500-3.000 con gà; nuôi trâu bò; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi); đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng... Từ các nguồn thu, Tiến Xuân đã đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,43%...

Ngoài phát triển kinh tế, những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Thạch Thất và TP Hà Nội, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Tiến Xuân được duy trì, nâng cao. Từng không có bộ cồng chiêng nào, đến nay, Tiến Xuân đã có 28 bộ và văn hóa cồng chiêng còn được đưa vào chương trình học tập tại các trường học trên địa bàn xã. Ngoài ra, thành phố và huyện Thạch Thất còn mở nhiều đợt tập huấn, tạo điều kiện để các đội cồng chiêng tham quan, tìm hiểu văn hóa người Mường ở các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình... Nhờ vậy, bản sắc văn hóa, nét đẹp trong phong tục, tập quán của Tiến Xuân được bảo lưu và ngày càng phát huy tích cực. “Từ khi có nhà văn hóa thôn, năm nào nhân dân cũng tập trung tại đây đón giao thừa và cùng cầu mong mùa xuân mới sẽ mang theo ấm no, bình yên về với xứ Mường Tiến Xuân” - Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn tự hào chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết vui bản Mường