Đổi mới nhờ thế mạnh làng nghề

Đỗ Minh| 13/01/2019 08:17

(HNM) - Từ một xã thuần nông nhiều khó khăn, đến nay Văn Tự trở thành một trong những xã mạnh của huyện Thường Tín. Nhờ phát triển nghề mộc và dịch vụ kèm theo, nhiều gia đình ở Văn Tự có cuộc sống sung túc và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

(HNM) - Từ một xã thuần nông nhiều khó khăn, đến nay Văn Tự trở thành một trong những xã mạnh của huyện Thường Tín. Nhờ phát triển nghề mộc và dịch vụ kèm theo, nhiều gia đình ở Văn Tự có cuộc sống sung túc và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

Nghề cơ khí tại xã Văn Tự (huyện Thường Tín).


Vốn là xã nghèo của huyện Thường Tín, trước đây Văn Tự gặp nhiều trở ngại trong xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn chia sẻ, so với các xã khác trong huyện, Văn Tự có xuất phát điểm thấp. Thời kỳ đầu, xã chỉ có 3/19 tiêu chí đạt; kinh tế của xã luôn đạt mức thấp bởi thu nhập chính phụ thuộc vào nông nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp còn hạn chế...

Khắc phục khó khăn, năm 2012, Văn Tự đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề, với nghề chủ yếu là mộc và cơ khí. Từ một vài hộ làm nghề, đến nay số hộ theo nghề mộc, cơ khí đã lên tới vài trăm hộ. Anh Tạ Văn Vương ở thôn Nguyên Hanh (xã Văn Tự) kể lại, ban đầu anh chỉ học nghề đục, khắc gỗ, làm ra các sản phẩm tủ, bàn ghế…

Sau đó, để chủ động nguồn gỗ, anh mạnh dạn vay vốn và mua gỗ từ Nam Phi về để sản xuất. Từ đó, anh mở rộng sang buôn gỗ, cung ứng gỗ cho các cơ sở sản xuất trong xã, huyện và các tỉnh lân cận. Hằng năm, doanh thu từ gỗ và sản xuất gỗ đã giúp gia đình anh thu về tiền tỷ...

Không riêng gia đình anh Vương, đến nay toàn xã Văn Tự có hơn 50 hộ chuyên buôn, bán gỗ từ Nam Phi về phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài huyện. Là một trong những hộ sản xuất, chế biến gỗ lớn trong xã, ông Đinh Văn Thướng ở thôn Nguyên Hanh luôn đau đáu về việc góp sức xây dựng quê hương. Ngoài góp tiền, công sức phát triển hệ thống giao thông, xây dựng trường học của xã, xưởng sản xuất của ông Thướng luôn duy trì 30-40 lao động với thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đồ gỗ, nghề sản xuất cơ khí tại đây cũng đang giúp nhiều hộ làm giàu. Từ đó, các dịch vụ, thương mại của địa phương cũng theo đó phát triển. Theo thống kê của UBND xã Văn Tự, hiện toàn xã có 850 cơ sở buôn bán, kinh doanh đồ gỗ, cơ khí, tạp hóa và nhiều mặt hàng khác.

Năm 2018, tổng thu nhập toàn xã đạt 401,468 tỷ đồng, trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ đạt hơn 327 tỷ đồng, chiếm 81,4%. Nhờ phát triển nghề, thu nhập bình quân của người dân Văn Tự đạt 41,1 triệu đồng/người/năm; nhiều hộ trở nên giàu có...

Với sự phát triển về kinh tế, từ chỗ chỉ đạt 3/19 tiêu, đến nay Văn Tự đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn, nhờ thế mạnh làng nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp, Văn Tự đã hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như: Việc làm, thu nhập, giao thông, trường học...

Theo thống kê của UBND xã, từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã đạt 270.634,67 triệu đồng. Trong đó, doanh nghiệp đóng góp 171.742,00 triệu đồng, chiếm 63,46%. Toàn xã hiện có 3.220 lao động làm các nghề: Chế biến gỗ, sản xuất cơ khí, buôn bán, dịch vụ... với thu nhập ổn định.

Từ sự đóng góp của mỗi hộ gia đình, cũng như của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đến nay mọi con đường từ trung tâm xã đến thôn, xóm và giao thông nội đồng tại Văn Tự đều được bê tông hóa; cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp...

Với những nỗ lực đó, cuối năm 2018, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới thành phố đã thẩm định và chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Văn Tự đạt 96,8 điểm - đủ tiêu chuẩn công nhận xã nông thôn mới.

"Đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới không có nghĩa là phong trào xây dựng nông thôn mới ngưng lại mà phải duy trì và thực hiện nghiêm túc hơn. Theo đó, Văn Tự vừa duy trì, vừa nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại 4/4 thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao..." - Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nhờ thế mạnh làng nghề