Chuyên Mỹ phát huy thế mạnh nghề truyền thống

Ánh Dương| 06/01/2019 07:15

(HNM) - “Tiếng lành đồn xa” - sản phẩm sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ thủ công của xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến...

(HNM) - “Tiếng lành đồn xa” - sản phẩm sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ thủ công của xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, từ đó, tăng thu nhập cho người làng nghề. Phát huy thế mạnh, Chuyên Mỹ hướng làng nghề gắn với du lịch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Tính từ năm 2010 đến nay, Chuyên Mỹ có hơn 3.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó có 210 lượt khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã nghề và những hộ làm nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ kết nối trực tiếp với khách hàng, ký kết những hợp đồng giá trị cao...

Xã Chuyên Mỹ có 7 thôn với 2.750 hộ, 10.364 nhân khẩu với thế mạnh làm nghề truyền thống khảm trai, sơn mài từ lâu đời. Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Phạm Văn Đại cho biết: Toàn xã có hơn 90% số hộ tham gia sản xuất và kinh doanh hàng khảm trai, sơn mài. 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 45-50 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, xã còn thu hút hàng nghìn lao động từ các địa phương lân cận. Nguồn vốn đầu tư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khảm trai, sơn mài ở Chuyên Mỹ lên tới hàng trăm tỷ đồng…

Tại thôn Thượng, nơi có 579 hộ dân thì đến 90% số hộ gia đình làm nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm trai. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm trai truyền thống thôn Thượng Vũ Văn Ca chia sẻ: Trong số những hộ làm nghề khảm trai, thì có khoảng 400 hộ làm cả nghề chế biến nguyên liệu khảm ốc. Vỏ ốc nhập từ các nước Singapore và Indonesia với số lượng vài nghìn tấn mỗi năm, được các hộ làm nghề cắt, mài, xẻ mỏng, ép phẳng để xuất bán cho những hộ làm nghề khảm trong thôn, xã. Thậm chí, nguyên liệu khảm ốc ở thôn Thượng còn cung cấp cho những cơ sở làm nghề khảm trai, sơn mài ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Thu nhập của những hộ làm nghề chế biến nguyên liệu khảm ốc cao hơn gấp 2-3 lần so với nghề khảm. Nhiều hộ làm nghề khảm ở thôn Thượng chuyên sản xuất sản phẩm cao cấp có giá từ 40-50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Cá biệt có những mặt hàng là bộ sập, tủ chè, bàn ghế… khảm ốc đỏ trị giá tới 1-2 tỷ đồng. Không chỉ phục vụ khách hàng trong nước, nhiều sản phẩm khảm ốc cao cấp của thôn Thượng còn được xuất bán sang thị trường các nước: Trung Quốc, Campuchia, Lào…

Để giúp xã viên có thêm vốn phát triển sản xuất, Hợp tác xã Làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm trai truyền thống thôn Thượng hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Xuyên, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, Quỹ tín dụng nhân dân xã để vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Còn tại thôn Ngọ - nơi khởi nguồn nghề truyền thống khảm trai có 12 nghệ nhân đã được UBND TP Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận. Với tay nghề tài hoa, có thợ làm nghề ở thôn Ngọ được công nhận nghệ nhân khi mới 28 tuổi, như nghệ nhân Nguyễn Văn Năng… Theo Trưởng thôn Ngọ Nguyễn Đắc Luyện, những nghệ nhân, thợ làm nghề ở thôn Ngọ chủ yếu sản xuất các sản phẩm khảm ốc cao cấp. Ngoài ra, còn có gần 200 hộ dân của thôn Ngọ mang nghề đi lập nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở TP Hồ Chí Minh. Một số hộ mở xưởng sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và hiện có số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng như gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thế Phú Huynh; các ông: Nguyễn Văn Đoài, Trần Bá Đảm, Trần Bá Đình, Nguyễn Đình Phục...

Tuy nhiên, trăn trở hiện nay của xã nghề Chuyên Mỹ là cơ sở hạ tầng giao thông chật hẹp, đã xuống cấp. Mong muốn của Chuyên Mỹ được hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa loại hình du lịch - làng nghề để sản phẩm khảm trai, sơn mài có điều kiện tiếp cận với nhiều khách hàng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông của thôn và xã cần sớm được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế - du lịch của địa phương. Qua đó, sản phẩm khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ được mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người làng nghề; đồng thời, tạo nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyên Mỹ phát huy thế mạnh nghề truyền thống