Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu hối hả vào vụ Tết

Bài và ảnh: Thu Hằng| 20/12/2018 10:31

(NSHN) - Đã nhiều đời nay, người dân xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) gắn bó với nghề làm tăm hương.

(NSHN) - Tìm về xã Quảng Phú Cầu vào một ngày đông nắng mật cuối năm, chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp của những người dân làm nghề tăm hương. Mọi người đều tất bật chuẩn bị cho vụ hàng Tết Kỷ Hợi 2019 sắp tới.

Làng nghề truyền thống tăm hương duy nhất của Hà Nội

Con đường làng đỏ rực như được trải thảm.


Làng nghề truyền thống tăm hương Quảng Phú Cầu nằm ven quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội chừng 35km. Trên các nẻo đường ở các thôn Cầu Bầu, Phú Lương Thượng, Đạo Tú… đâu đâu cũng đỏ rực một màu của chân hương đang phơi nắng và hình ảnh những người dân đang hăng say làm việc. Các cụ già thì ngồi bổ vầu, thanh niên nhanh nhẹn, tháo vát hơn thì học đứng máy, học lái xe để vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm... Nghề làm tăm hương đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây.

Hình ảnh đẹp những ngày cuối năm ở Quảng Phú Cầu.


Các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề làm hương và tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm. Ban đầu nghề này chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng, nhưng vài năm trở lại đây nghề đã được mở rộng ra 5 thôn còn lại của xã gồm: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú. Xuất phát chỉ là nghề phụ, làm khi nông nhàn nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề này phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút 70% số hộ dân tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ.

Nghề làm tăm hương cho thu nhập tốt (lương trả theo ngày khoán sản phẩm), không quá vất vả, lại có thể tranh thủ làm bất cứ khi nào, nên được người dân nơi đây rất quan tâm.

Bổ vầu - công việc thu hút các cụ cao niên ở xã Quảng Phú Cầu.


Nhanh tay bổ (chẻ) từng thanh vầu, bà Nguyễn Thị Hà (60 tuổi), ở xóm 8 thôn Phú Lương Thượng cho hay, chỉ 5 năm trở lại đây, số hộ đầu tư mua máy chẻ tự động, rồi thu mua vầu sơ chế về làm tăm hương đã lên tới hàng trăm. Những người không có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất, có tuổi như bà Hà thì đi làm công khoán. Cứ một tấn vầu nguyên liệu sơ chế thô, bà được trả 200 nghìn đồng. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một lao động có thể bổ được từ 700-800kg vầu.

Nét riêng làng nghề

Những người thợ làm tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, hương liên quan đến thế giới tâm linh nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả.

Nguyên liệu để làm tăm là vầu, tre, nứa. Mỗi ngày, xã Quảng Phú Cầu tiêu thụ khoảng 200 tấn vầu từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa… chuyển về.

Những bãi đất trống quanh làng được tận dụng để phơi khô vầu.


Đầu tiên, vầu được pha thanh, sấy (phơi) khô rồi được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp. Tiếp theo, chúng được đem đi phân lớp, những que tăm chất lượng thì được mang đi nhuộm chân hương rồi phơi khô, còn những que chất lượng kém hơn thì sẽ dùng để tái chế.

Sản phẩm tăm tại Quảng Phú Cầu được phân thành hai loại: Tăm hương xuất khẩu và tăm hương nội địa.

Với tăm hương xuất khẩu, nguyên liệu nhất thiết phải là cây vầu, vì dễ cháy nhưng lại đọng tàn, không bị gãy. Loại tăm hương này phải được chẻ bằng máy thì thân tăm mới đảm bảo độ đều, tròn, bóng.

Công đoạn phân lớp trong sản xuất tăm hương.


Tăm hương nội địa thường sử dụng bằng nứa, làm thủ công chẻ bằng tay, loại tăm này không nhất thiết phải tròn, có thể chẻ vuông, trước khi chẻ phải ngâm nứa hai tháng để tránh bị mọt.

Sau khi phơi khô, tăm được nhuộm đỏ...


Sản phẩm được bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành để se hương thành phẩm, phân phối tại các thị trường trong, ngoài nước. Hiện tại, xã Quảng Phú Cầu cũng có vài hộ se hương. Tuy nhiên, đây là công đoạn khá phức tạp nên người dân chủ yếu tập trung sản xuất sản phẩm thô, rồi cung cấp cho tiểu thương.

Sau khi se xong sẽ được phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên. Nếu hương được sấy khô sẽ làm “bay” đi mùi hương đặc trưng.


Tại nhà ông Nguyễn Hữu Long (thôn Cầu Bầu), tranh thủ ngày được nắng sau cả tuần mưa dầm, công nhân đang nhanh tay nhuộm chân tăm để phơi. Thời điểm này thị trường trong nước đang là cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên đơn hàng từ các tỉnh, khu vực lân cận tăng đột biến. Tuy vất vả nhưng ai cũng mừng và cố gắng.

Ước vọng đầu xuân

Tăm hương Quảng Phú Cầu đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong nước, và bán ra nước ngoài, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…


Trải qua bao thăng trầm, nghề tăm hương đã giúp cuộc sống người dân nơi đây cải thiện đáng kể, nhà cửa được xây khang trang, hệ thống đường giao thông được nâng cấp phục vụ nhu cầu đi lại, làm ăn của người dân, góp phần làm giảm bớt những tệ nạn xã hội ở vùng quê này.

Sản xuất tăm tròn rất bụi bặm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.


Bên cạnh những thuận lợi, xã Quảng Phú Cầu đang vấp phải rất nhiều thách thức trong việc đưa nghề tăm hương phát triển thành một thương hiệu bền vững. Tăm hương của xã đa phần mới chỉ là sản phẩm thô, phải đưa vào Nam tiếp tục xử lý, sau đó mới xuất ngoại được. Đi cùng với sự phát triển kinh tế là vấn đề ô nhiễm môi trường. Công đoạn ngâm tre, nứa của người dân trong xã đã và đang làm nguồn nước ở ao, ngòi và sông Nhuệ ô nhiễm nặng. Ngoài ra, người dân còn phải đối mặt với khói bụi do các xưởng làm tăm thải ra môi trường. Việc phơi tăm thủ công tràn ra đường cũng gây ách tắc giao thông...

Vì vậy, thời gian tới, rất mong thành phố quan tâm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, kênh tiêu thụ để đầu tư xây dựng thí điểm những cơ sở sản xuất hương; đưa nghề này trở thành mô hình kinh tế có giá trị cao của địa phương.

Phơi tăm tại sân nhà ông Nguyễn Hữu Long.


Nhờ sự phát triển của nghề làm tăm hương, Tết của người dân Quảng Phú Cầu sẽ tươm tất, đủ đầy hơn. Làng tăm hương Quảng Phú Cầu đã góp phần để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang trầm, nhang quế trên bàn thờ gia tiên mỗi khi Tết đến xuân về. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu hối hả vào vụ Tết