Giữ hồn cho phố

Giang Nam| 15/02/2018 20:18

(NSHN) - Nét đẹp của Hà Nội không hẳn là những di tích, những công trình, mà ở bất kỳ góc phố nào ta cũng có thể gặp những con người đặc biệt, những điều bất ngờ, những nét lãng mạn, những điều xưa cũ "của riêng" Hà Nội.

(NSHN) - Nét đẹp của Hà Nội không hẳn là những di tích, những công trình, mà ở bất kỳ góc phố nào ta cũng có thể gặp những con người đặc biệt, những điều bất ngờ, những nét lãng mạn, những điều xưa cũ "của riêng" Hà Nội. Tôi vẫn gọi đó là những người giữ hồn cho phố.

1. Thoáng qua, quán trà nhỏ nơi góc đường Bà Triệu - Tô Hiến Thành cũng như những quán cóc liêu xiêu khác ở Hà Nội. Nhưng nếu đi chậm lại, bất cứ lúc nào trong ngày, ta cũng được nghe tiếng ríu ran của bầy chim sẻ. Lũ chim sẻ dạn người, có người đi đến, chúng ào bay, nhưng khi bóng người vừa qua, chúng lại sà xuống. Nhiều người chọn ngồi đây không phải bởi chén trà ngon, mà bởi sáng, trưa hay chiều đều được ngắm bầy chim sẻ nô đùa nơi góc phố. Những lúc vắng người, cả trăm con sẻ sà xuống. Đôi khi chúng tranh giành nhau, xảy ra những trận... hỗn chiến. Nhưng đó là những tiếng ồn ào mà ai cũng muốn nghe. Thêm một điều ngạc nhiên nữa, góc phố lúc nào cũng được trải vàng bởi những hạt thóc cho lũ sẻ ăn. Bà chủ quán trà ấy chính là người hằng ngày nuôi lũ chim trời.

Bà Nguyễn Thị Tim dáng người cục mịch. Cũng chẳng hay chuyện như hầu hết những người chủ quán trà khác, thậm chí đôi lúc bà còn lơ đễnh với khách hàng vì mải... ngắm chim. Bà Tim dọn quán bán hàng ở góc phố này dễ tới hai chục năm rồi. Quán nép dưới bóng xà cừ cổ thụ, lấy tiếng chim sẻ ríu ran trên vòm xanh làm bầu bạn. Đánh bạn với chúng lâu, bà nhận ra lắm khi bầy chim kêu inh ỏi, đánh lộn vì đói ăn. Nhiều con hễ thấy người dân đổ rác là sục sạo. Tội nghiệp lũ chim, bà Tim bèn mua thóc, mua gạo cho chúng ăn. Cứ thế, lũ chim rủ nhau đến góc phố này ngày một đông hơn. Ngày nào bà Tim cũng phải mất đến hơn cân gạo đãi lũ chim trời. Lâu dần thân quen, có con đậu lên vai bà cụ. Có lần bà còn định... đặt tên cho những con chim, cho thân mật! Quan sát mỏi cả mắt, thấy con nào cũng giống con nào nên đành thôi. Thi thoảng, có những đứa trẻ được người lớn dắt ngang qua phố, thấy lũ chim chúng reo lên thích thú, bà cũng mát lòng mát dạ. Bây giờ phố xá đông đúc. Phố Bà Triệu thường tắc nghẽn. Nhưng nhiều người đến quán bà ngồi cả buổi, cốt để được ngắm lũ chim nô đùa hồn nhiên bên góc phố. Ngắm đàn chim, bỗng nhận ra, chim đậu đâu chỉ bởi đất lành?

Từng có người thắc mắc không hiểu sao nhà kinh tế người Urugoay Rama Martin lại chia sẻ: Hà Nội là một thành phố đáng sống. Quan điểm này thậm chí bị cho là “lãng mạn hóa”. Bởi Hà Nội chật chội, tắc đường, khói xe... Song, chỉ khi lắng lòng cảm nhận câu chuyện của Rama Martin qua cuốn sách Hà Nội, một chốn rong chơi, mới hiểu lý lẽ tình yêu ông dành cho Hà Nội. Đó chính là cuộc sống đời thường đang vận động, đầy sắc màu. Và nếu ai đó từng nhìn thấy cảnh bà cụ già với bầy chim trời, sẽ càng hiểu thêm vì sao nhiều người lại mê mẩn cuộc sống đời thường Hà Nội đến thế.

2. Người Hà Nội có một khái niệm không thấy có ở những thành phố khác - bát phố. Thoạt nghe nói qua không phải ai cũng cảm nhận được “bát phố” nghĩa là thế nào. Chỉ khi nào sống ở Hà Nội đủ để thành người Hà Nội, người ta sẽ nhận ra. Bát phố như một nhu cầu. Nói như nhà văn Nguyễn Bảo Sinh - tác giả của cuốn sách Bát phố - bát phố là “vô nguyện và tùy duyên”. Người ta đi không vì mục đích cụ thể. Nhưng tùy duyên người ta sẽ dừng chân. Và cuộc sống ở Hà Nội luôn chất chứa những thú vị. Rất nhiều cái “tùy duyên” đang chờ đợi kéo người ta ra phố.

Trong một lần bát phố, tôi đã gặp một hình ảnh như từ quá khứ gửi về. Một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi tĩnh lặng cầm cây tiêu bên hồ Hoàn Kiếm. Khuôn mặt ông bình thản như thiền. Những âm thanh dìu dịu từ chiếc tiêu cứ tràn ra. Đó chính là cụ Lê Quang Châu, người thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm. Tiếng tiêu của cụ vang lên, cảm giác như kéo những đoàn xe hối hả nối nhau trên phố đi chậm lại, chậm lại.

Cụ Châu sinh ra ở khu phố cổ. Cụ Châu giỏi thổi tiêu, thổi sáo từ thiếu thời. Sau này, khi nhà cụ dời xa hồ Hoàn Kiếm, chuyển về phố Kim Ngưu, cụ bảo rằng, phải về hồ Hoàn Kiếm chơi tiêu, cụ mới thấy về với chính mình, tiếng tiêu lan ra không trung cũng là khi cụ thấy mình như hòa vào nhịp thở của thành phố. Tiếng tiêu thay cho lời kể chuyện của ông cụ già tóc bạc về Hà Nội, về những câu chuyện đời người...

Từ cái lần gặp ấy đến giờ, tôi nhẩm tính, cụ Châu giờ đã 86 mùa sương gió. Giờ hiếm người gặp lại lão “lãng sĩ Hà thành”. Nhiều người đã băn khoăn, không biết mai này có còn ai thổi tiêu bên hồ, như cụ Châu? Thế rồi trong một lần bát phố, dưới vòm xanh bên hồ Hoàn Kiếm, nơi cụ Châu vẫn thường ngồi, tôi gặp tiếng sáo trúc dìu dặt giai điệu thân thuộc của bài Việt Nam quê hương tôi. Nhưng không phải tiếng tiêu mà là tiếng sáo trúc trong và cao. Tiếng sáo khi thánh thót như lời reo vui, lúc chùng xuống như ai đó đang gửi theo gió những lời tự sự. Tiếng sáo như mở ra trước mắt mỗi người những phong cảnh yên bình, những bà mẹ tảo tần của những miền quê đất Việt... Người thổi sáo bên hồ Hoàn Kiếm đó là bà Lê Thúy Nga. Từ hơn một năm nay, gần như đều đặn mỗi sáng, bà Lê Thúy Nga lại đem tiếng sáo trúc tặng cho mọi người bên hồ Hoàn Kiếm. Bà Nga tự nhận tiếng sáo chưa phải là hay lắm, còn phải cố gắng học hỏi nhiều. Mặc dầu vậy, điều đó không thể ngăn cản tiếng sáo trở thành một phần của không gian này. Những người hay đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ thấy trống vắng, nếu một ngày không gặp tiếng sáo của bà Nga.

Câu chuyện của “nữ lãng sĩ” Lê Thúy Nga, nếu được nghe sẽ thấy rất lạ. Bà sống ở phố Hàng Bạc, chưa từng học qua trường lớp nào về nghệ thuật. Công việc của bà Nga cũng chưa từng liên quan đến hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bà Nga là chủ một cửa hàng hải sản. Tối ngày, công việc của bà là quản lý kinh doanh. Mê sáo trúc thì đi học thôi. Theo thầy một thời gian sau mày mò tự học là chính. Không học nhạc lý ngày nào, bà tìm cách “dân gian hóa” các ký tự âm nhạc. Giờ đã qua tuổi 50, công việc dần do con cái đảm trách, bà Nga có thời gian hơn và đem tiếng sáo tặng mọi người. Bà Nga ưa chơi các giai điệu dân ca, dễ đi vào lòng người. Tiếng sáo bà Nga dần trở thành một phần của hồ Hoàn Kiếm thân quen...

3.Một chiều cuối năm, tôi trở lại góc phố Tô Hiến Thành - Bà Triệu. Dáng bà Tim đã chậm lại. Còn đàn chim vẫn ríu rít vây quanh. Có điều chỗ ngồi của bà, giờ thi thoảng được thay bằng người phụ nữ khác. Cũng giống bà, không mặn chuyện. Và cũng giống bà, yêu lũ chim trời. Ai dám chắc rồi góc phố này sẽ ra sao? Nhưng ngần ấy năm gắn bó với đàn chim trời, hẳn rằng mấy mươi năm nữa, người phụ nữ ấy sẽ lại là “bà Tim” thứ hai. Và lũ chim trời, vẫn cứ níu bước người qua lại...

Đã nhiều người băn khoăn rồi sẽ còn ai nữa tiếp nối những điều bình dị “rất Hà Nội”, những con người luôn khiến cho từng góc phố ẩn chứa những bất ngờ mê hoặc. Với người đã thẩm thấu Hà Nội, băn khoăn ấy, dường như là không cần thiết. Mảnh đất này luôn là như thế. Để rồi, bất kỳ góc phố nào, người ta cũng gặp được những điều bất ngờ, những nét lãng mạn, những điều xưa cũ. Tôi vẫn gọi họ là những người giữ hồn cho phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ hồn cho phố