Nhớ chợ Tết xưa

Thanh Chi| 14/02/2018 07:36

(NSHN) - Thong dong giữa vội vã người xe, một nhà văn chậm rãi: “Chợ phiên ngày Tết ít nhiều đã nhạt nhòa rồi nhưng tôi nghĩ cả Hà Nội đang vào phiên chợ Tết”...

(NSHN) - Những ngày áp Tết, quất đào, hoa trái ùa vào khắp các khu tập thể, những vỉa hè trên khắp phố phường. Thong dong giữa vội vã người xe, một nhà văn chậm rãi: “Chợ phiên ngày Tết ít nhiều đã nhạt nhòa rồi nhưng tôi nghĩ cả Hà Nội đang vào phiên chợ Tết”... Tôi cũng nghĩ như vậy trong lây phây mưa xuân gọi Tết ở nơi đã từng được gọi Kẻ chợ - Kinh kỳ.

Phiên chợ Tết xưa

Trong lòng thành phố có lẽ chỉ còn chợ Bưởi là họp theo phiên (ngày bốn và chín âm lịch cho người làng xa, làng gần và thêm ngày chủ nhật cho người làm công sở), nhưng cũng nhạt nhòa rồi. Giờ thì ngày nào chẳng bán, chẳng mua, phiên chợ như chỉ còn trong tiềm thức.

Các cụ xưa kể, chợ Bưởi hội tụ đủ thứ sản vật từ Kẻ chợ - Kinh kỳ và các vùng phụ cận, nhưng nhiều nhất là hoa, cây cảnh của các làng cổ bên hồ Tây. Được trông đợi nhiều nhất là ba phiên chợ ngày áp Tết, người ta còn gọi là phiên chợ trâu bò. Chả phải tinh ý cũng nhận ra nét riêng, phiên chợ ngày 19 tháng Chạp đông hơn ngày thường, nhưng người đi chơi nhiều hơn đi mua sắm. Phiên chợ ngày 24 tháng Chạp tấp nập nhất năm, “trên trời, dưới hàng”, người dân các làng xung quanh vùng Kẻ Bưởi và nhiều nơi khác cùng đổ về bán - mua, tùy hầu bao mà tính chuyện “ba ngày Tết”. Còn phiên chợ ngày 29, tháng thiếu kể như đã sang ngày Ba mươi nên chỉ còn những người sắm thêm mớ rau, cành hoa hay nhoáng nhoàng lo Tết.

Trong tập “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài viết: “… Cả năm chợ Bưởi chỉ có ba phiên này, lái các nơi đem trâu bò đến bán. Con trâu, con bò cầy bừa thân thiết với nhà nông, trâu bò làm ra của ngọc thực không dễ mỗi lúc mà đem bán chợ như bọn lợn gà, chó má… ”.

Chợ Tết miền thôn dã là tấm gương phản chiếu đời sống của những người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chợ đông vui, tấp nập đồng nghĩa với việc nhà nhà có Tết. Chợ Tết cũng là nơi để những người xa quê gặp lại bạn bè, để đám trẻ nô đùa trong đủ mọi sắc màu của lá chuối lá dong, những câu đối đỏ và hút mắt vào những con tò he… Chợ Tết ở các miền quê thường có phong vị đặc biệt.

Anh bạn nhà văn vốn người Xứ Đoài đăm đắm xa xăm: Ngày bé ở quê (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất), tôi chạy rạc cẳng quanh chợ Nủa. Câu chuyện đổ dài: Người già quanh vùng vẫn nhắc “gái hăm hai, trai hăm bảy”, chợ họp vào ngày 22 dành cho phụ nữ và phiên cuối cùng của năm vào ngày 27 thì chỉ có cánh mày râu. Ngày xưa là thế. Phiên chợ Tết rộn ràng từ tinh sương với đủ thứ, từ thúng, mủng, dần, sàng đến dao, kéo, cuốc, xẻng; từ buồng chuối, quả bưởi vườn nhà đến tấm áo, manh quần, chiếc gương… Và chợ Tết nên cơ man lá dong, gạo nếp, hoa cây cảnh, vài năm trước còn có cả những người nhuộm quần áo… Người ta nói chợ Nủa là chợ canh nông cũng vì thế. Chợ Tết nên người bán không cân điêu, nói thách, người mua không cò kè, mặc cả, chẳng ai tính toán thiệt hơn. Nhiều người đi chơi chợ, bên hàng bún nóng, thúng ngô luộc, mẻ khoai nước đậm tình quê, rỉ rả nói với nhau chuyện làng chuyện xóm… Phiên chợ Tết như một bức tranh đa sắc trong tâm thức người Việt làm phong phú đời sống văn hóa Việt Nam.



Đi tìm hoài niệm

Chả cứ cánh văn chương, nghệ thuật, với nhiều người Hà Nội, chợ hoa Hàng Lược là một phần không thể thiếu của Tết Hà Nội. Không chỉ vì đây là chợ hoa lâu đời nhất trong lòng phố lớn chỉ họp một lần trong năm mà còn bởi hoa ở đây được tuyển chọn kỹ càng sao cho phù hợp với thú chơi vốn kỹ lưỡng, cầu kỳ của người hàng phố. Cũng như mọi năm, chợ hoa đông dần từ ngày ông Công, ông Táo và rộn rã hơn vào những ngày áp Tết. Nét xưa vẫn đọng lại cùng những gốc mai, cây đào, bình hoa thủy tiên nho nhỏ như dành riêng cho không gian chẳng mấy rộng rãi của các gia đình sống trong những phố, những ngõ; vẫn vậy, hàng hoa lụa, hoa giấy tấp nập người vào ra; hàng đồ cổ đủ loại linh vật, đồ tế khí; những bao xì xì đỏ ối một đoạn phố và vẫn người với người đi chơi, đi mua hoa… Thế nhưng cái không gian Tết - không khí Tết mang đậm chất Hà Nội đã nhàn nhạt trong vồi vội phố phường.

Dọc những con phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi… không còn bao nhiêu lay ơn, thược dược, violet với màu sắc khác hẳn những chợ hoa nơi khác, không còn lục bục những nồi bánh chưng bên vỉa hè và mùi hương trầm thoang thoảng từng làm nên cái không gian đặc quánh hương vị Tết của chợ hoa Hàng Lược. Và nữa, thay vì hình ảnh những cụ ông, cụ bà lịch lãm bên những gốc mai già, cây đào thế, là mấy anh chị Tây ba lô xì xồ và đám thanh niên kè kè máy ảnh, lia lịa bấm hình; thi thoảng một chiếc xe máy chở hàng xẹt qua “vừa bắn đại liên, vừa phun khói độc”. Bất chợt trong những người yêu Hà Nội lại dội về những hoài niệm chưa xa.

Chợ Bưởi ngày áp Tết vẫn bạt ngàn hoa hồng, trạng nguyên, thủy tiên, cẩm tú cầu, nhưng chuyện cũ của nhà văn Tô Hoài chỉ còn trong ký ức. Các chợ ngoại thành cũng khác hẳn ngày thường, hàng hóa ăm ắp. Vài ba người mang “cây nhà lá vườn” ra chợ với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh, đám trẻ nhỏ tíu tít phụ giúp mẹ bán hàng và bên những hàng quà ríu rít tiếng nói cười. Chợ đông vui hơn, gương mặt mỗi người cũng như tươi sáng hơn trong khí xuân rộn rã, nhưng cái không gian đặc trưng của chợ quê ngày Tết cứ như thể một thời để nhớ.

Chợ Tết không như xưa, không còn những người bán, người mua tỉ tê chuyện không đầu, không cuối cũng không mấy ai bỏ nhiều ngày lang thang chợ Tết để tìm được chậu hoa, cành đào sao cho thật ưng ý, phần nhiều là mua nhanh, bán vội… Có thể nói, những phiên chợ Tết trong lòng phố hay ở những miền quê ít nhiều đã phôi phai, thế nhưng hoài niệm đẹp vẫn còn mãi trong ký ức mỗi người. Và Hà Nội luôn là nơi “hội tụ, kết tinh” để làm nên những giá trị riêng.

Mưa xuân đang gọi Tết về trong tươi thắm sắc đào, rộm vàng màu quất trên mọi nẻo đường. Nhớ lắm không gian chợ Tết của một thời chưa xa, nhưng anh bạn nhà văn gốc Xứ Đoài không phải không có lý khi nói rằng: Cả Hà Nội đang vào phiên chợ Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ chợ Tết xưa