Gỡ vướng để phát triển chợ truyền thống

Thanh Hiền| 18/04/2017 06:57

(HNM) - Thành phố chỉ đạo không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại nhằm tránh gây lãng phí, khó khăn cho cả tiểu thương...

(HNM) - Nhằm khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động chợ truyền thống, thời gian tới các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tiến hành rà soát điều chỉnh mạng lưới phát triển chợ theo hướng gắn quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa.

Đáng chú ý thành phố chỉ đạo không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại nhằm tránh gây lãng phí, khó khăn cho cả tiểu thương, người tiêu dùng và doanh nghiệp quản lý.

Nhiều bất cập

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2011-2016, Hà Nội đã đầu tư xây mới 43 chợ; xây dựng lại 16 chợ; cải tạo, nâng cấp 95 chợ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.054 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đánh giá, phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2016 là chợ hạng 3 khu vực nông thôn. Do khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nên hệ thống chợ dân sinh ở một số quận và khu đô thị mới còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý của các cơ quan trung ương ban hành liên quan đến chợ đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp như chuyển đổi mô hình quản lý chợ, sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo chợ... Mặt khác, một số sở, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những lĩnh vực liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ… khiến UBND các quận, huyện, thị xã còn lúng túng nên chưa thực hiện hiệu quả như mong muốn.

Kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý hoạt động một số chợ trên địa bàn từ ngày 28-2 đến ngày 21-3 cũng cho thấy, hiệu quả hoạt động của một số chợ có nhiều hạn chế, điển hình là tình trạng chưa khai thác hết công suất, cá biệt chỉ đạt 30-40%. Phần lớn các chợ đã xuống cấp, có chợ xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, sắp xếp ngành hàng... Điển hình, quận Đống Đa hiện có 11 chợ thuộc hệ thống mạng lưới chợ của thành phố (trong đó có 1 chợ hạng 1, 2 chợ hạng 2 và 8 chợ hạng 3). Theo đánh giá của UBND quận, hiện nay, hệ thống hạ tầng chợ trên địa bàn quận đã xuống cấp không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Công tác đầu tư đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng lại chợ, quy mô xây dựng chợ… Chợ Ngã Tư Sở dù là chợ lớn do thành phố quản lý, giáp ranh giữa hai quận Đống Đa và Thanh Xuân, với tổng diện tích hơn 8.000m2 và gần 800 hộ kinh doanh cố định, nhưng mấy năm gần đây tình hình buôn bán ở chợ gặp khó khăn, hạ tầng xuống cấp, ít người đến mua sắm, nên nhiều tiểu thương không tiếp tục kinh doanh đã gây lãng phí cơ sở vật chất.

Ngoài ra, một số chợ hạng 1 sau chuyển đổi chưa phát huy được giá trị truyền thống của chợ đã có, chưa tương xứng với quy mô và lợi thế vị trí đất. Một số chợ khi chuyển đổi mô hình quản lý còn tồn tại vướng mắc kéo dài, chậm được giải quyết gây bức xúc cho tiểu thương. Ở một số địa phương chưa quyết liệt giải tỏa chợ cóc, sắp xếp chợ tạm chưa gắn với quản lý trật tự văn minh đô thị…


Thành phố sẽ không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại.Ảnh: Khánh Huy


Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng chợ

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chợ, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng kiến nghị, UBND thành phố xem xét, kiến nghị với Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại phụ lục 1, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (ngày 12-11-2015) của Chính phủ “Đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ truyền thống dân sinh” được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 15 và hỗ trợ đầu tư tại Điều 19 của Luật Đầu tư; sửa đổi Điều 3, Mục 1, ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg (ngày 14-9-2015) của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Thăng, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện bố trí ngân sách hằng năm để đầu tư xây mới, cải tạo chợ; đồng thời, đề nghị UBND các cấp quan tâm kêu gọi xã hội hóa và bố trí ngân sách hằng năm để đầu tư cải tạo các chợ đang xuống cấp, rà soát quỹ đất để ưu tiên xây dựng các chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Hiện nay, Hà Nội có nhiều mô hình quản lý chợ, nhưng không phải mô hình nào cũng hiệu quả. Do đó, thành phố yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu quy hoạch, chuyển đổi mô hình đầu tư phát triển chợ mang tính khả thi; thực hiện rà soát, điều chỉnh mạng lưới phát triển chợ trên địa bàn, gắn quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, thành phố chỉ đạo kiên quyết không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ; sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công-tư... Trong trường hợp các chợ trước đây được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm hoạt động mà không kêu gọi xã hội hóa được thì báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng để phát triển chợ truyền thống