Đô thị đáng sống

Đỗ Phấn| 29/01/2017 08:54

(HNM) - Một đô thị hơn nghìn năm tuổi như Hà Nội là của hiếm trên thế giới. Trong lịch sử hơn nghìn năm ấy Hà Nội có vài lần không phải là kinh đô nước Việt nhưng dòng chảy âm thầm của tính cách con người nơi đây vẫn được lưu truyền bền vững cho đến tận bây giờ. Tùy theo mỗi thời, tính cách ấy lan tỏa hay chìm lắng, cũng là lẽ thường…

(HNM) - Một đô thị hơn nghìn năm tuổi như Hà Nội là của hiếm trên thế giới. Trong lịch sử hơn nghìn năm ấy Hà Nội có vài lần không phải là kinh đô nước Việt nhưng dòng chảy âm thầm của tính cách con người nơi đây vẫn được lưu truyền bền vững cho đến tận bây giờ. Tùy theo mỗi thời, tính cách ấy lan tỏa hay chìm lắng, cũng là lẽ thường…

Thực ra nhiều người vẫn cho rằng nền nếp của một đô thị được quy định bằng luật lệ nhà nước. Thế nhưng hồn cốt của một đô thị thực sự chưa bao giờ theo sau những luật lệ ấy. Nó tự sinh ra luật lệ cho mình. Luật lệ đến sau có chăng cũng chỉ điều chỉnh được ít nhiều. Ví dụ như những năm mới tiếp quản 1954 không có luật lệ nào cấm người ta phơi quần áo ngoài đường nhưng đã không bao giờ thấy người Hà Nội cũ mang quần áo ra đường phơi. Đi ngoài đường thấy nhà nào phơi quần áo trước cửa thì biết ngay là mới nhập cư. Cái văn hóa hồn nhiên làng xóm ấy là phẩm chất không hoàn toàn xấu. Chỉ đơn giản là không phù hợp với hoàn cảnh mà thôi.



Bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước Hà Nội đã xây dựng một số khu tập thể để phục vụ cho số lượng đông đảo người nhập cư là cán bộ từ các nơi về. Và cũng chỉ dành cho những người như thế mà thôi. Chính sách hộ khẩu đã không cho phép bất kỳ ai vô công rồi nghề có cơ hội ở những nơi này.

Cán bộ, bộ đội, công nhân chuyển về Hà Nội công tác ngày một nhiều lên đặt ra vấn đề cấp bách về nhà ở. Thành phố đã xây dựng thêm những khu nhà tập thể ở Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Nam Đồng… Và đã không có luật lệ nào áp dụng riêng cho những nơi như thế. Người ta nghiễm nhiên trở thành cư dân Thủ đô dù rằng khái niệm thị dân ở nhiều người trong họ là số không tuyệt đối. Chỉ khác thôn quê ở chỗ phải làm quen với sự chật chội. Nhưng thói quen tiểu nông không vì thế mà thay đổi.

Những năm '60 ấy ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ người ta phải sống trong những căn phòng chưa đầy 20m2 cho cả một gia đình chưa có khái niệm về kế hoạch sinh đẻ. Đại khái các cụ già được bố trí nằm gần cửa ra vào cho tiện việc vệ sinh ban đêm. Đôi vợ chồng trẻ hơn nằm trên chiếc giường kê sát cửa sổ sau nhà. Lịch sự lắm thì có tấm vải hoa làm ri đô che chắn. Lũ trẻ - có thể tới bốn năm đứa - trải chiếu hoặc nằm thẳng lên nền nhà láng xi măng. Gạch hoa phải đến cuối thập kỉ '60 mới sản xuất được. Người ta tự an ủi nhau bằng câu thành ngữ: "Ăn hết nhiều chứ ở chẳng bao nhiêu".



Thế nhưng căn bếp phục vụ cho việc ăn cũng chật chội không kém. Trong không gian chung ở giữa hành lang được quy hoạch làm làm bếp đun mỗi nhà được phép kê một chiếc kiềng gang trên bệ. Dưới gầm là chỗ chứa củi. Va chạm cãi cọ là chuyện thường ngày. Và cái bếp chung ấy chẳng mấy chốc mà bị những người hung hăng cơ bắp chiếm dụng để tích trữ củi, mùn cưa. Những người yếu thế hơn đành mang chiếc kiềng của mình kê ra hành lang thổi nấu. Hành lang bề rộng hơn 2m biến thành nơi để chạn bát, bếp đun, phuy nước, vại cà… Vào những năm '70, khi đã kết thúc chiến tranh phá hoại, nhà nhà kéo nhau từ nơi sơ tán trở về mang theo ít nhất vài đứa trẻ mới sinh. Sự chật chội lên đến đỉnh điểm. Hành lang công cộng chỉ còn một lối đi hẹp. Xe đạp hầu hết phải vác trên vai mà mang vào nhà. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn trăm bề. Đúng lúc này bản tính nông dân ngùn ngụt trỗi dậy. Người ta thi nhau mua lợn gà về nuôi trong nhà tập thể. Những khu bếp và vệ sinh bị chia nhỏ quây kín. Gà lợn đói ăn kêu váng như ở trại chăn nuôi. Trẻ con đến trường mang theo một thứ mùi không lẫn vào đâu được. Mùi gà lợn nuôi ở nhà. Phó Giáo sư Văn Như Cương ở khu tập thể Thanh Xuân cũng nuôi lợn. Ông bị công an vào lập biên bản, trong đó có câu "Văn Như Cương nuôi lợn". Ông cầm bút chữa lại thành "Lợn nuôi Văn Như Cương".

Thập kỷ '70 bắt đầu có những khu tập thể lắp ghép ra đời khắp trên những vùng đất làng cũ. Khu Trung Tự, Văn Chương, Bách Khoa, Trương Định, Thanh Xuân… Nhà lắp ghép tấm lớn được dựng rất nhanh và khái niệm "nhà tập thể" đã bị lung lay ít nhiều. Mọi căn hộ ở đây đã độc lập về công trình phụ. Chỉ "tập thể" mỗi cái hành lang và khoảnh sân đất. Người Hà Nội cũ cũng được phân phối ít nhiều những căn hộ như thế. Nhưng họ vẫn chỉ là thiểu số trong cả một khu tập thể có phần bao la hơn trước rất nhiều. Đương nhiên tác phong sinh hoạt thành thị không còn phù hợp với nơi này. Họ nhanh chóng tan loãng vào lối sống nhộm nhoạm nông dân - công chức tỉnh lẻ. Nếp văn hóa làng vì thế mà chẳng mất đi đâu cả. Vẫn tiếp tục nuôi lợn trong buồng tắm…

Mấy năm gần đây Hà Nội đã tràn ngập những khu chung cư hiện đại. Cư dân ở đó vẫn đa số là người mới nhập cư. Và khi đã là đa số thì việc điều chỉnh tác phong sinh hoạt hình như là không cần thiết lắm. Đã thế, thói quen sinh hoạt từ khi còn ở những khu nhà tập thể thấp tầng đã hình thành và vẫn còn bền chặt với nhiều người. Sẽ không mấy ngạc nhiên khi vài cao ốc đã có người mở quán phở trên tầng cao. Mở tiệm làm đầu và hàng tạp hóa thò ra hành lang. "Ô sin" cho trẻ vào thang máy ăn bột kèm theo... xi tè. Thậm chí bắt đầu xuất hiện những chiếc bếp than tổ ong.

Nếp sống đô thị từ xưa đến nay vẫn hoàn toàn trông vào các cuộc vận động. Luật Thủ đô ra đời cũng mới chỉ đủ sức điều chỉnh bề nổi của diện mạo kiến trúc và những sinh hoạt đường phố. Trong mỗi nhà lại là một câu chuyện khác hẳn. Không thể quy định người Thanh - Nghệ sống ở Hà Nội là phải nói giọng Hà Nội. Chuyện tưởng như rất tầm phào này lại là một trở ngại khá lớn cho việc giao tiếp, sinh hoạt. Không ai định nghĩa được thế nào là giọng chuẩn Hà Nội. Và người Hà Nội phát âm sai chính tả rất nhiều, nhất là hai âm "l", "n".

May mắn thay hồn cốt Hà Nội không vì thế mà mai một. Những gia đình sinh sống đủ lâu ở đất này tự biết cách học hỏi những nền nếp nghiêm chỉnh và đào thải những yếu kém ngoại lai xâm nhập. Hà Nội là nơi tập trung nhiều sắc dân vào loại nhất nước. Chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên tính cách hòa đồng tôn trọng không phân biệt. Nhưng nó cũng chính là một yếu điểm trong tâm lý của người Hà Nội. Không bằng lòng đấy nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng góp ý mà thôi. Chẳng gay gắt bao giờ. Ngày trước khi ai đó nhắc đến chợ Đồng Xuân thì đều có chung suy nghĩ là một nơi hổ lốn ô hợp và tệ nạn trộm cắp lừa đảo. Hà Nội chung quy chỉ có hai loại người xưa nay mà thôi. Đó là tầng lớp trí thức và doanh nhân. Lớn nhỏ tùy theo điều kiện mỗi nhà. Và hai tầng lớp này hòa đồng, đổi chỗ cho nhau liên tục qua các thời kỳ. Không hiếm trí thức đi buôn và con cái doanh nhân trở thành những trí thức tiêu biểu.

Chợ Đồng Xuân bị mang tiếng xấu vào quãng thập kỷ '70 kéo dài đến hết thời bao cấp. Nếu ai đó than phiền về việc chợ Đồng Xuân nhiều kẻ cắp thì người Hà Nội chỉ mủm mỉm cười bởi biết chắc người ấy mới ở nơi khác về. Thế nhưng bây giờ bước chân vào chợ là một không gian khác hẳn. Trật tự vệ sinh có khi còn hơn cả siêu thị. Tiểu thương ở chợ thường là những gia đình truyền đời Hà Nội. Những gia đình mà hai thành phần trí thức và doanh nhân trong nhà là ngang nhau. Các bà các cô ngồi sạp bán hàng chuyện trò nhỏ nhẹ. Chẳng thấy đâu cái chao chát chợ búa như vài chục năm trước. Tuyệt không có chuyện mời chào níu kéo trên mức cần thiết. Cái lịch lãm của một nơi từng có tiếng xô bồ nguy hiểm làm cho khách phương xa vô cùng ngạc nhiên. Người Hà Nội cũ may mắn thay còn có một nơi để mà tự hào. Người Hà Nội mới cũng may mắn khi có được một không gian sống đáng học hỏi. Không thể phủ nhận công sức của chính quyền thành phố trong khâu xây dựng, tổ chức và sắp xếp. Nhưng rõ ràng cái làm nên hồn cốt của ngôi chợ này chính là những tiểu thương Hà Nội - những người biết và buộc phải chăm lo cho công việc cụ thể của mình.

Gần đây người ta hay nói đến cụm từ "Thành phố đáng sống". Cụm từ này được gán cho vài thành phố trong nước với những việc làm cụ thể nghiêng về phía bảo đảm trật tự vệ sinh. Nhưng Hà Nội dù muốn hay không thì từ nghìn năm rồi vẫn luôn là một thành phố đáng sống nhất. Những người mới rồi sẽ cũ đi, lịch lãm lên và biết cách chăm lo cho nơi mình đang sống. Vài chục năm chẳng thấm tháp gì so với nghìn năm lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đô thị đáng sống