Nỗi lo xả thải tùy tiện vào Sông Đáy

Kim Văn| 11/07/2016 08:35

Trong khi Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét lòng dẫn, cải thiện ô nhiễm môi trường, thì nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn chưa có biện pháp hạn chế xả chất thải vào Sông Đáy…

(NSHN) - Trong khi Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét lòng dẫn, cải thiện ô nhiễm môi trường, thì nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn chưa có biện pháp hạn chế xả chất thải vào Sông Đáy… Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án mà còn tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, sản xuất nông nghiệp.

Tận mắt quan sát dòng nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi đổ ra Sông Đáy, nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ tới bữa ăn sử dụng nông sản được nuôi trồng bằng nguồn nước này. Tại các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế… (Hoài Đức), mỗi ngày, nhân dân ở đây sơ chế, tẩy rửa và chế biến hàng trăm tấn củ sắn, củ đót. Tất cả chất thải trong quá trình sản xuất đều xả thẳng ra cống rãnh rồi đổ vào Sông Đáy. Cùng với đó là chất thải sinh hoạt, chăn nuôi của nhân dân sinh sống hai bên bờ đổ vào, khiến “sông xanh như mắt trẻ” ngày nào trở nên đen kịt, bốc mùi hôi thối…

Phó Trưởng phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy Nguyễn Thanh Hiến cho biết: Trong đợt bơm nước tưới từ Sông Đáy phục vụ sản xuất vụ mùa vừa qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức… tỏ ra bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến gieo cấy, nuôi trồng thủy sản… Theo thống kê của công ty, trên hệ thống Sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội có 250 điểm xả chất thải không qua xử lý, trong đó có 183 điểm xả chất thải công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện và 67 điểm xả chất thải sinh hoạt. Việc xả thải không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng chất lượng an toàn vệ sinh nông sản mà còn bồi lắng lòng dẫn, khiến việc đưa nước Sông Hồng từ trạm bơm Bá Giang (Đan Phượng) về đập Hoàng Diệu (Chương Mỹ) bị kéo dài, thường từ 2,5 đến 3 ngày…

Phó Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp - thủy lợi (Sở NN& PTNT Hà Nội) Trần Anh Tú tỏ ra bức xúc khi chứng kiến nhiều đoạn sông mới hoàn thành nạo vét đã bị chất thải bồi lắng; đặc biệt là đoạn sông thuộc địa bàn xã Cát Quế, Yên Sở (Hoài Đức). Tình trạng xả thải gây bồi lắng lòng sông không chỉ gây khó khăn cho các nhà thầu thi công mà còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của dự án.

Theo ông Trần Anh Tú: Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn Sông Đáy có tổng mức đầu tư 349 tỷ đồng. Dự án đang được Ban Quản lý các dự án nông nghiệp - thủy lợi triển khai, quyết tâm hoàn thành trong quý IV-2016. Khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, cải tạo môi trường, phục vụ giao thông thủy cả trong mùa lũ và mùa kiệt… Vì vậy, để công trình đạt hiệu quả mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương hai bên bờ Sông Đáy tuyên truyền, vận động nhân dân có biện pháp xử lý chất thải trước khi xả vào dòng sông.

Trao đổi về công tác bảo vệ môi trường, lãnh đạo các xã Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức) cho biết: Địa phương đã tổ chức nhiều khóa tập huấn hướng dẫn nhân dân sử dụng chất cặn bã làm phân hữu cơ; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề chế biến nông sản, chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải. Tuy nhiên, do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế và khó khăn về kinh phí đầu tư công trình quản lý chất thải nên nhiều hộ chưa chấp hành, tiếp tục xả chất thải ra Sông Đáy.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến cho biết: Huyện đã yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi Đan Hoài thau rửa các kênh dẫn ra Sông Đáy. Nhưng cách làm này cũng không giải quyết dứt điểm ô nhiễm Sông Đáy. Để giải quyết triệt để tình trạng này, thời gian tới huyện Hoài Đức tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường; dành nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước, chất cặn bã trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, huyện sẽ lập danh sách đưa các hộ sản xuất có nguồn thải lớn vào Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn làng nghề bảo đảm môi trường)...

Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực dự án nạo vét lòng dẫn, cải thiện ô nhiễm môi trường Sông Đáy, ông Trần Anh Tú đề nghị, đi đôi với tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không xả rác, chất thải ra bờ sông, dòng sông. Các sở, ngành của thành phố nghiên cứu hỗ trợ các địa phương về khoa học, kỹ thuật, kinh phí xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu chất cặn bã tinh bột, chăn nuôi làm phân bón phục vụ sản xuất rau an toàn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo xả thải tùy tiện vào Sông Đáy