Kích cầu du lịch Hà Nội: Trọng tâm là khách nội địa

Linh Tâm| 26/03/2021 06:54

(HNMCT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và triển vọng về việc tiêm vắc xin có thể giúp ngành Du lịch hồi phục, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội cũng ráo riết chuẩn bị xúc tiến lại thị trường, xây dựng sản phẩm mới và tăng cường truyền thông nhằm kích cầu thị trường khách nội địa. Đây được cho là các giải pháp khả thi nhằm lấy lại đà tăng trưởng, giúp du lịch Thủ đô khởi sắc.

Du khách tham quan triển lãm chuyên đề trong khu nhà Thái học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Ảnh: Linh Tâm

Khai thác thế mạnh sẵn có

Dịch Covid-19 đã thay đổi xu hướng du lịch của du khách, buộc các doanh nghiệp lữ hành phải thay đổi phương thức xây dựng sản phẩm, hướng tới các nhóm nhỏ, đi trong thời gian ngắn và cự ly gần. 

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Hà Nội có thể xây dựng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách. Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, văn hóa - lịch sử là một trong những “trụ cột” để xây dựng các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội. Song song với đó là phát triển kinh tế đêm dựa trên nền tảng văn hóa, khai thác thế mạnh của khu vực phố đi bộ gắn với ẩm thực sẽ góp phần gia tăng mức chi tiêu của du khách. “Hà Nội cần có tour giới thiệu sâu hơn về văn hóa ẩm thực bởi nó đóng góp 70% cơ cấu chi tiêu của du khách cho các hoạt động về đêm. Vì vậy, đẩy mạnh kinh tế đêm là cách thu hút du khách ở lại Hà Nội lâu hơn”, ông Thắng nói.

Xây dựng sản phẩm dựa trên thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên kết hợp với văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Nội cũng bắt đầu được quan tâm trong thời gian qua. Theo ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì, nhờ phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, riêng tháng 2-2021, lượng khách đến Vườn quốc gia Ba Vì tăng 170% so với cùng kỳ năm 2020. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ đồng bào người Dao sinh sống quanh khu vực Vườn quốc gia khai thác tour tham quan vùng trồng nguyên liệu thuốc cổ truyền kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng tại các làng Việt cổ để phát huy thế mạnh du lịch sinh thái và văn hóa đặc trưng của xứ Đoài”, ông Chu Ngọc Quân chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho biết: Sau thành công của các mô hình làng du lịch sinh thái cộng đồng ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, VCTC sẽ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây... nhằm kéo du khách Hà Nội đi du lịch Hà Nội và thu hút du khách các tỉnh đến với Thủ đô.

Du khách tham quan hồ Văn trong khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn

Đẩy mạnh truyền thông đến các thị trường khách

Để kích cầu du lịch hiệu quả, theo nhiều doanh nghiệp, song song với việc xây dựng sản phẩm mới, cần tăng cường truyền thông nhằm đánh thức nhu cầu du lịch của du khách. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cho rằng: “Hiện nay, nhiều du khách vẫn nghĩ là ngành Du lịch đang bị “tê liệt” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, cần tăng cường tuyên truyền để thúc đẩy tinh thần đi du lịch của người dân cả nước bằng cách cho họ thấy hình ảnh các điểm đến an toàn, ngành Du lịch đã sẵn sàng phục vụ du khách với nhiều chương trình tốt có giá hấp dẫn... Cần bắt tay từ bây giờ để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè sắp tới”.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài chia sẻ: “Bản chất là phải đánh thức được nhu cầu của du khách. Muốn vậy, cần phải chọn phương thức truyền thông sao cho hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ số để quảng bá các điểm đến của Hà Nội kết hợp với những câu chuyện hấp dẫn như cách Đà Nẵng làm. Cùng với đó, Hà Nội cần tập trung khai thác các thị trường khách mới từ khu vực miền Trung, Tây Nguyên”.

Với mục tiêu kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch nội địa nhằm khôi phục hoạt động của ngành công nghiệp không khói, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội thực hiện Lễ hội Kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội trong tháng 4-2021. Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội Phạm Gia Phương, đây được coi là “bàn đạp” giúp các doanh nghiệp du lịch lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian liên tục đứt quãng do dịch Covid-19. Còn Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, cùng với hoạt động trên, Sở sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện lớn trong năm như Lễ hội Áo dài Hà Nội, Lễ hội Du lịch làng nghề, phố nghề Hà Nội, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội... nhằm thu hút du khách nội địa đến với Hà Nội và du khách Hà Nội đi du lịch Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích cầu du lịch Hà Nội: Trọng tâm là khách nội địa