Vườn quốc gia Ba Vì: Nỗ lực “xanh hóa” sản phẩm

Bảo Khánh| 19/03/2021 05:21

(HNMCT) - Là điểm đến có nhiều tiềm năng, lợi thế hấp dẫn du khách, thời gian qua, Vườn quốc gia Ba Vì đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của các đối tượng khách. Với cách làm bài bản, đơn vị này luôn hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường thiên nhiên như một cách “xanh hóa” sản phẩm để phát triển du lịch bền vững.

Khu di tích đền Thượng trong khuôn viên Vườn quốc gia Ba Vì.

Điểm đến hấp dẫn

Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì) nằm ở phía tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Đây là một trong những vườn quốc gia có thảm thực vật đa dạng, được đánh giá là “điểm sáng” về bảo vệ rừng kết hợp với phát triển du lịch trong hệ thống 164 khu bảo tồn, vườn quốc gia của cả nước. Những năm gần đây, Vườn quốc gia Ba Vì luôn ghi dấu trong lòng du khách như là điểm du lịch sinh thái “xanh” hấp dẫn với nhiều sản phẩm và trải nghiệm thú vị.

Nhắc đến Vườn quốc gia Ba Vì, du khách sẽ nghĩ ngay tới các di tích lịch sử - văn hóa như đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Thượng, tháp Báo Thiên, động Ngọc Hoa, nhà tù chính trị, nhà thờ cổ, khu trại hè thời Pháp... Ngoài ra, tại đây còn có những điểm tham quan gắn với thiên nhiên như quần thể bách xanh cổ thụ, tuyến tham quan rừng hoa dã quỳ, vườn ươm xương rồng... đã và đang trở thành những điểm đến “hot”, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ tới tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Hoàng Thu Giang, Sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch (Trường Đại học Hà Nội) chia sẻ: "Tôi và bạn bè thường rủ nhau lên Vườn quốc gia Ba Vì vui chơi mỗi khi có dịp. Thiên nhiên ở đây rất tuyệt vời, mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp khác nhau; không khí trong lành, thoáng đãng. Đến đây, chúng tôi không chỉ tìm hiểu về các di tích lịch sử, chụp ảnh với những góc đẹp mà còn được tìm hiểu về các loài cây cối cùng hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng...”.

Theo thống kê của Vườn quốc gia Ba Vì, hoạt động khai thác và phát triển du lịch của vườn trong giai đoạn 2011 - 2020 đạt kết quả khá khả quan: Tăng trưởng bình quân về du lịch đạt khoảng 25%/năm; 3 năm qua đã có gần 400 nghìn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, học tập, trong đó khách ở khu vực Hà Nội chiếm 80%, khách quốc tế chiếm 1,4%...

Du khách chụp ảnh tại vườn hoa dã quỳ (tháng 11-2020).

Đa dạng hóa sản phẩm

Năm 2020, trước những tác động của dịch Covid-19, Vườn quốc gia Ba Vì phải đóng cửa, không đón khách trong 3 tháng. Trong thời gian này đơn vị đã tập trung triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ khách tham quan.

Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết, việc đầu tiên đơn vị này nghĩ tới là hình thành bộ nhận diện thương hiệu nhằm tuyên truyền quảng bá một cách hiệu quả. “Nhận thấy thương hiệu của mình thuộc nhóm nguy cơ bị xâm hại cao nên từ năm 2019, chúng tôi đã hoàn tất thủ tục đăng ký bộ nhận diện thương hiệu Vườn quốc gia Ba Vì và tiến hành chiến dịch truyền thông quảng bá đồng bộ, chú trọng sở thích của khách hàng và định danh thương hiệu qua các công cụ truyền thông như Website, Fanpage, YouTube, Zalo, Instagram...”, ông Quân chia sẻ.

Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung đa dạng hóa sản phẩm dựa trên thế mạnh sẵn có, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, trong đó có hoạt động bay khinh khí cầu ngắm hoa dã quỳ - một “cú hích” lớn, thu hút hàng vạn lượt khách trong thời gian qua. Du lịch khám phá thiên nhiên cũng được xác định là hướng đi chủ đạo bởi nơi đây được coi là “bảo tàng sống” về hệ thực vật với hơn 2.000 loài thực vật bậc cao; 503 loài cây thuốc có thể chữa 33 loại bệnh... Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour cho rằng, với sự thay đổi tư duy, cách làm mạnh mẽ, Vườn quốc gia Ba Vì đã tạo được nhiều sản phẩm đặc sắc và khẳng định thương hiệu điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Thủ đô.

Với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, ông Chu Ngọc Quân cho biết, Vườn quốc gia Ba Vì đang hoàn thiện hồ sơ công nhận Cây di sản cho quần thể bách xanh cổ thụ tại một số vị trí đặc biệt; tổ chức thí điểm mô hình trồng dược liệu bản địa dưới tán rừng; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng dự án trồng và chế biến sản phẩm bương mốc, hình thành sản phẩm OCOP lâm nghiệp để đồng bào vùng đệm bán cho khách du lịch. Ngoài ra, vườn cũng đang tiến hành dự án khởi tạo nguồn giống các loại cây quý hiếm, có ý nghĩa đặc biệt được nhân giống từ các cây trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đó là cách quản lý, bảo vệ rừng kết hợp với khai thác du lịch hiệu quả, góp phần “xanh hóa” và phát triển du lịch một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn quốc gia Ba Vì: Nỗ lực “xanh hóa” sản phẩm