Tây Hồ xây dựng ''đặc sản'' du lịch

Hoàng Lân| 28/01/2021 06:50

(HNM) - Sở hữu tới 71 di tích, 15 lễ hội, cùng tài nguyên về thiên nhiên, cảnh quan phong phú, quận Tây Hồ đang tích cực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới cho người dân Thủ đô và du khách. Hiện tại, quận đang tập trung khai thác lợi thế của các vườn hoa để xây dựng “đặc sản” du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Thung lũng hoa Hồ Tây đang trở thành điểm đến thu hút nhiều người dân và du khách.

Nhiều mô hình vườn hoa hoạt động hiệu quả

Thung lũng hoa Hồ Tây nằm ở ngã ba Nhật Chiêu - Tây Hồ, có diện tích hàng nghìn mét vuông, vài năm trở lại đây thu hút rất đông du khách. Anh Bùi Mạnh Hiếu, chủ Thung lũng hoa Hồ Tây chia sẻ, Hà Nội nổi tiếng là đất trồng hoa, mùa nào cũng có những loài hoa đặc trưng, quyến rũ. Chính vì vậy, anh Hiếu quyết định xây dựng thung lũng hoa với mong muốn tạo điểm vui chơi, du lịch hấp dẫn người dân và du khách. Thung lũng hoa Hồ Tây hiện có hàng trăm loài hoa, trong đó nhiều loại rất đặc trưng của Hà Nội, như: Cúc họa mi, sen, thạch thảo…

Để xây dựng thung lũng hoa, anh Hiếu đã mời các chuyên gia nông nghiệp cùng nghiên cứu giống cây, cải tiến công nghệ, kỹ thuật để có thể giữ hoa được lâu bền và tạo thêm nhiều tiểu cảnh lạ mắt; giúp hoa có thể mọc và nở được trên tường, thậm chí hoa sen có thể nở quanh năm. “Tôi còn dự kiến tổ chức lễ hội hoa tại đây để quảng bá thương hiệu hoa Hà Nội và sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách”, anh Hiếu chia sẻ.

Cùng với các vườn hoa truyền thống như vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, Quảng An…, việc xuất hiện thêm nhiều vườn hoa mới giúp tăng thêm tính hấp dẫn cho du lịch quận Tây Hồ. Chị Nguyễn Thị Hà (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) nhiều lần cùng bạn đến các vườn hoa trên địa bàn quận Tây Hồ để vui chơi chia sẻ, các vườn hoa của Hà Nội được quy hoạch khá bài bản với nhiều tiểu cảnh đẹp, hoa được trồng theo mùa, rất hấp dẫn du khách. “Nhiều vườn hoa trang trí công phu, phù hợp với sở thích chụp ảnh của người dân và du khách”, chị Nguyễn Thị Hà nhận xét.

Xây dựng thương hiệu “Hà Nội 12 mùa hoa”

Trung tuần tháng 1 vừa qua, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức chuyến khảo sát du lịch với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp lữ hành Hà Nội. Tour du lịch được thiết kế đi bằng xe điện, tham quan chủ yếu tại các vườn hoa trên địa bàn quận.

Đánh giá tiềm năng khai thác du lịch tại các vườn hoa của quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, với điều kiện thổ nhưỡng và diện tích đất, quận Tây Hồ có thể xây dựng các sản phẩm du lịch về hoa không kém Đà Lạt, góp phần xây dựng thương hiệu “Hà Nội 12 mùa hoa” vốn nổi tiếng của Thủ đô. “Hà Nội có nhiều “đặc sản” hoa rất đặc trưng, như: Loa kèn, sen, cúc họa mi, thạch thảo, lay ơn, đào… Nếu biết khai thác, mở rộng các vườn hoa và kết nối các điểm trồng hoa thì Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc”, ông Trương Quốc Hùng khẳng định.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nhiều vườn hoa của quận Tây Hồ có thể khai thác tour ngay từ thời điểm này và trở thành sản phẩm mới của du lịch Thủ đô để thu hút khách nội địa. Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cần khai thác thêm các vườn hoa, cây cảnh truyền thống, như đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… với những câu chuyện về nghề truyền thống trồng cây, hoa lâu đời.

Với quyết tâm xây dựng sản phẩm du lịch mới, thực hiện kích cầu du lịch nội địa, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, tới đây quận tiếp tục nghiên cứu mở rộng các dự án phát triển vườn hoa để quận Tây Hồ trở thành một trong những “vựa hoa” của Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, mô hình các vườn hoa của quận Tây Hồ có thể thí điểm để nhân rộng ở các địa phương khác, từ đó cùng tạo dựng thương hiệu “Hà Nội 12 mùa hoa” cho Thủ đô vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa tăng thu nhập cho tập thể, cá nhân. “Tới đây, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn khảo sát, thực hiện các tour, tuyến kết nối những vườn hoa với tài nguyên về di sản, ẩm thực trên địa bàn để tạo thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch Thủ đô”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.

Nguyệt Ánh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Hồ xây dựng ''đặc sản'' du lịch