“Sức bật” mới của du lịch Bát Tràng

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 04/12/2020 05:42

(HNMCT) - Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được hình thành cách đây hơn 1.000 năm và là một trong những ngôi làng cổ nhất của Hà Nội. Mặc dù vậy, “sức bật” trong việc đổi mới sản phẩm và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quảng bá thương hiệu làng nghề gắn với phát triển du lịch của Bát Tràng không phải làng nghề nào cũng theo kịp.

Du khách trải nghiệm du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin và hướng dẫn du lịch làng gốm cổ truyền Bát Tràng.

Đa dạng hóa trải nghiệm

Cuối năm 2019, Bát Tràng được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là Điểm du lịch của thành phố. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Sau khi được công nhận là điểm du lịch, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Bát Tràng tăng gấp đôi vào những tháng cuối năm 2019. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên đến nay, lượng khách mua sắm, tham quan làng nghề có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm”.

Đến với làng cổ Bát Tràng, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu làng nghề tại những cơ sở sản xuất theo phương thức truyền thống mà còn được nghe những câu chuyện hấp dẫn từ các hướng dẫn viên lớn lên tại làng Bát Tràng. Đây cũng là một trong những điểm mới của Bát Tràng so với nhiều làng nghề và điểm du lịch khác. Là 1 trong 14 hướng dẫn viên tại điểm đã được Sở Du lịch Hà Nội cấp thẻ năm 2019, chị Lương Nguyệt Minh, 35 tuổi, người quản lý Khu du lịch Lò bàu cổ (xóm 2, xã Bát Tràng) kiêm hướng dẫn viên tại điểm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng cho biết: “Tôi rất tự hào vì được hoạt động một cách chuyên nghiệp và được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong việc đưa thương hiệu, hình ảnh làng nghề Bát Tràng đến với du khách”.  

Không chỉ tăng sức hấp dẫn trong hoạt động thuyết minh, Bát Tràng còn vận động người dân tham gia xây dựng nhiều công trình, sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Trong năm 2019 - 2020, một con đường gốm sứ trên tuyến đường đê sông Hồng qua xã đã được xây dựng với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao. Cùng với đó, người dân cũng chung tay vẽ bích họa, xây dựng những “đoạn đường hoa nở” và thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Bà Nguyễn Thị Dung, du khách đến từ quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại Bát Tràng. Điều khiến tôi bất ngờ là ngôi làng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống bên cạnh những con đường hoa hay những bức bích họa khiến cho ngôi làng cổ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn”.

Vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón một lượng lớn du khách đến tham quan, mua sắm.

Công nghệ phục vụ du lịch

Không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị, những người con của làng Bát Tràng còn ấp ủ kế hoạch lan tỏa những giá trị truyền thống của quê hương mình. Một trong số đó là mô hình Căn nhà Hương Sa (xóm 5, xã Bát Tràng). Ông Nguyễn Trung Thành, người đồng sáng lập Căn nhà Hương Sa chia sẻ: “Căn nhà Hương Sa là mô hình hoạt động phi lợi nhuận, nơi giới thiệu các thông tin, hình ảnh và sản phẩm làng nghề để phục vụ khách du lịch. Bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại và công nghệ thực tế ảo, chúng tôi muốn đưa đến cho du khách những hình dung rõ nét về làng nghề”. Đây sẽ là một bảo tàng thu nhỏ hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị cho du khách khi đến tham quan Bát Tràng.

Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh” thời gian qua. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Hai năm qua, xã đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps); lắp đặt wifi miễn phí...

Ngoài ra, từ nay đến đầu năm 2021, Bát Tràng sẽ đưa vào hoạt động 50 xe đạp thông minh và 20 ô tô điện để phục vụ du khách. Thông qua ứng dụng du lịch thông minh, du khách có thể yên tâm sử dụng dịch vụ xe điện với số tiền được hiển thị minh bạch. Ngoài ra, du khách cũng có thể truy cập thông tin về các điểm tham quan bằng nhiều ngôn ngữ. Đây là cách Bát Tràng đón đầu, chờ du lịch quốc tế hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 lắng xuống.

Với những nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch, tin rằng, du lịch Bát Tràng sẽ còn thu nhiều “quả ngọt” trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sức bật” mới của du lịch Bát Tràng