Đường Lâm - phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng cổ

Bài và ảnh: Mỹ An| 20/11/2020 06:26

(HNMCT) - Với lịch sử hình thành lâu đời cùng những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống đã tạo thành bản sắc riêng, làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng cổ, nhiều gia đình đã chung tay cùng chính quyền địa phương phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Du khách tìm hiểu nghề truyền thống ở làng cổ Đường Lâm.

Khởi sắc các mô hình

Đường Lâm là điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp duyên dáng của một ngôi làng cổ đại diện cho văn hóa xứ Đoài với bao lớp trầm tích văn hóa xếp chồng lên nhau. Đến Đường Lâm, du khách không chỉ thăm hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng mà còn được hòa mình vào cuộc sống nông thôn điển hình của Bắc Bộ với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, được gặt lúa, bện rơm hay làm kẹo, chè lam... đầy thú vị.

Là một trong những người trẻ trong làng tham gia phát triển du lịch cộng đồng, anh Cao Huy Đức - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và du lịch Đường Lâm cho biết: “Hiện nay, đến với làng cổ Đường Lâm, du khách có thể chọn gói tour 2 ngày 1 đêm được bổ sung nhiều hoạt động trải nghiệm mới như: Trải nghiệm làm đồ lưu niệm từ rơm, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân, đi xe điện hoặc đạp xe quanh làng tìm hiểu cuộc sống của người dân, check-in tại vườn hoa đầu làng với nhiều loài hoa theo mùa”.

Cũng theo anh Cao Huy Đức, kể từ khi Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và du lịch Đường Lâm kết hợp với các hộ dân trong làng đưa vào hoạt động mô hình du lịch homestay từ cuối năm 2019 đến nay, cả 3 ngôi nhà cổ với sức chứa khoảng 30 người luôn kín phòng vào các ngày cuối tuần. Mô hình này đã tạo việc làm cho 20 người dân với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng/người. Bà Kiều Thị Thực, người dân thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm) cho biết: “Tôi làm việc cho Hợp tác xã từ cuối năm 2019 với công việc chính là trồng hoa. Công việc này cho tôi thu nhập ổn định, giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống”.

Ông Nguyễn Văn Vững, chủ homestay Vững Tâm chia sẻ, gia đình vẫn giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của cha ông để lại nhằm mang đến cho du khách một không gian văn hóa cổ điển hình của xứ Đoài. “Chúng tôi giữ gìn những “báu vật” này để du khách có thể “chạm” vào quá khứ, trở về với văn hóa truyền thống của ông cha. Không chỉ hòa mình vào không gian làng cổ, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã do người dân Đường Lâm tự nuôi trồng, sản xuất và chế biến”. 

Ngoài việc kinh doanh dịch vụ homestay, nhiều hộ dân ở Đường Lâm đã biết kết hợp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế, như gia đình ông Hà Nguyên Huyến và ông Nguyễn Hữu Thể với nghề làm tương, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có nghề làm chè lam; gia đình ông Cao Văn Hiền với cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, mỗi tháng sản xuất trung bình 1,5 tấn kẹo...

Tìm hướng phát triển bền vững

Kể từ khi được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia (năm 2006) và Điểm du lịch cấp thành phố (năm 2019), Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã có những bước đi bài bản trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ: “Bên cạnh việc duy trì hoạt động trang website giới thiệu làng cổ, chúng tôi xây dựng các tour tuyến tham quan tại làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã và vùng phụ cận; triển khai mô hình dịch vụ, du lịch homestay tới các gia đình có nhà cổ. Đường Lâm hiện có trên 100 hộ dân tại 5 thôn làm dịch vụ du lịch và tham gia tạo sản phẩm phục vụ du khách”.

Nhận xét về sự thay đổi của làng cổ Đường Lâm, bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ Timetravel Việt Nam cho rằng: “Người dân Đường Lâm đã ý thức được những tác động tích cực của du lịch đến cuộc sống, vì thế, cách làm du lịch của họ đã chuyên nghiệp hơn trước. Tuy nhiên, Đường Lâm cần giữ gìn cảnh quan làng cổ tốt hơn, không để những công trình xây mới phá vỡ không gian truyền thống. Nếu không, Đường Lâm sẽ tự đánh mất sức hấp dẫn của mình”.  

Để du lịch Đường Lâm phát triển bền vững, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Sở sẽ đồng hành cùng địa phương trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá giá trị của làng cổ Đường Lâm và kết nối cộng đồng địa phương với doanh nghiệp lữ hành để tạo ra các sản phẩm mới”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Lâm - phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng cổ