Đền Văn Hiến

Mộc Lam| 15/11/2020 06:29

(HNMCT) - Đền Văn Hiến (Văn Hiến Đường) thuộc xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), xưa là văn chỉ thờ Khổng Tử và là nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành (1102 - 1179), người con của quê hương qua đời, nhân dân đã xây mộ và thờ ông tại đây cùng quan nghè Đỗ Trí Trung (1439 - ?). Năm 1908, đền được mở rộng khuôn viên, tu sửa và quy hoạch lại như ngày nay.

Đền Văn Hiến nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ. Kiến trúc và khuôn viên đền tuy được tu sửa, quy hoạch lại nhưng khá hài hòa với cảnh quan hai bên bờ sông. Từ đường cái bước vào đền, qua cổng lớn có bức đại tự đề bốn chữ “Thánh vực hiền quan”, nghĩa là “Cửa người hiền, cõi thần thánh”, cùng đôi câu đối ca ngợi vẻ đẹp và sự linh thiêng của ngôi đền.

Các kiến trúc chính của đền được xây dựng theo hướng đông. Khu Tô Vương lăng Thái sư mộ nhìn thẳng ra nhà bia Văn Hiến đường bi ký nằm sát hồ bán nguyệt. Gian giữa nhà tiền tế chiếu trực diện tượng danh nhân Tô Hiến Thành ở trung tâm khuôn viên đền. Khu đền chính được xây dựng theo hình chữ Đinh, gồm tòa đại bái và hậu cung, sát đó là nhà tiền tế. Hai ngôi nhà này đều có 5 gian và được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.

Hậu cung gồm 3 gian dọc nối với gian giữa nhà đại bái. Gian ngoài được nâng cao kiểu hai tầng bốn mái nên cao và thoáng, tôn vẻ trang nghiêm của cung cấm. Trên cùng là long ngai thờ ảnh đức Khổng Tử, tiếp đến là 3 pho tượng thờ tam thánh và bài vị thành hoàng làng. Dưới cùng là tượng danh nhân Tô Hiến Thành và Tiến sĩ Đỗ Trí Trung.

Tại đền Văn Hiến hiện còn lưu giữ bộ bia Khoa tràng (bia ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi) và bộ mộc bản in sách Cổ kim truyền lục. Đây là hai tư liệu quý minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa, Hạ Mỗ nay. Năm 1991, đền Văn Hiến được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Văn Hiến