Độc đáo chùa Văn Hội

Bảo Khánh| 27/09/2020 15:44

(NSHN) - Không chỉ là một ngôi chùa cổ và có không gian yên bình, chùa Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) còn là nơi tổ chức lễ hội khai bút đầu năm và tôn vinh các làng nghề của huyện Thường Tín.

Chùa Văn Hội có tên chữ là Hội Phúc tự, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Trước đây, hai làng Văn Giáp và Văn Hội (xã Văn Bình) vốn là một làng gốc và có hai chùa (chùa Pháp Vân và chùa Pháp Lôi) tục gọi là hai chị em hay hai bà. Tới năm 1947, do tiêu thổ kháng chiến, chùa Pháp Lôi bị phá. Người làng Văn Hội đã rước tượng Pháp Lôi về thờ tại chùa làng (tức chùa Văn Hội bây giờ). Do vậy, ngoài thờ Phật, chùa Văn Hội còn thờ thánh Pháp Lôi, dân gian thường gọi là “chùa em” và gọi chùa Pháp Vân là “chùa chị”. 

Chùa Văn Hội.

Trong cuốn “Nam thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục” được lưu giữ tại chùa có chép về bức tượng Pháp Lôi được tạc bằng gỗ dâu, theo đó tượng cao 1,05m, ngồi trên ngai, mắt nhìn thẳng, tay được tạc theo thế Thí vô úy ấn. Ngoài ra, trong chùa hiện còn lưu giữ 14 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn ban cho việc thờ phụng Pháp Lôi.

Tam bảo chùa Văn Hội được bài trí tượng Phật khá chi tiết. Trên cùng thượng điện là bộ tượng Phật Tam thế, các pho tượng đều được tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng, tọa trên tòa sen. Lớp thứ hai là tượng Phật A di đà và tượng Quan Âm, bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ tát. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca Mâu Ni lúc sơ sinh. Lớp thứ tư là tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn được tạc công phu, cao 0,98m, gồm 14 cánh tay. Lớp cuối cùng là tượng Pháp Lôi được dân làng rước về năm 1947 từ chùa Pháp Lôi đã bị phá hủy.

Tam quan chùa Văn Hội.

Tấm bia hậu tạc năm Đồng Khánh thứ ba 1888 có chép việc chùa Văn Hội được dân làng và ông Trần Liêu - tả Tham tri bộ Hộ trong triều Nguyễn, đứng ra trùng tu với quy mô lớn. Vì vậy, ngôi chùa mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn với kiểu chữ “đinh”, gồm tòa Bái đường và Thượng điện. 

Chùa Văn Hội có cảnh quan thơ mộng, trước cổng là hồ sen rộng. Bao quanh chùa là hàng cây xà cừ cổ thụ rợp mát. Đặc biệt, tại đây còn có cây trôi đã mấy trăm năm tuổi vẫn xanh tốt. Trên sân chùa bên phải có tượng Quan Âm Bồ tát màu trắng cao chừng 3m, đằng sau có các tấm bia đá đã bị mờ chữ.

Tượng Quan Âm Bồ tát trong sân chùa.

Hằng năm, cứ vào mùng 9 tháng Giêng, tại chùa Văn Hội lại diễn ra Lễ hội khai bút và tôn vinh làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức dâng hương tại văn chỉ của làng. 

Ở văn chỉ làng có hai tấm bia, một tấm là “Thượng Phúc Văn chỉ bi ký”, tức Bia ghi chép về văn chỉ, huyện Thượng Phúc (huyện Thường Tín ngày nay). Nội dung bia thể hiện lịch sử hình thành Văn chỉ từ lúc bắt đầu ở Yên Duyên đến khi được di dời về Văn Hội. Tấm bia thứ hai đề: “Hội biện quan tính”, tức danh sách quan chức Hội đồng biện xét. Điều đó cho thấy, trước đây, Văn Hội từng là nơi tổ chức kỳ thi Hương của mạn phía nam kinh thành Thăng Long. 

Sau khi dâng hương tại văn chỉ, các hoạt động múa trống hội, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật và nghi lễ khai bút được thực hiện trước sự có mặt của hàng ngàn người dân trong huyện.

Nhà Bái đường chùa Văn Hội.

Thường Tín cũng là vùng đất danh hương với 128 người trong lịch sử phong kiến đỗ đại khoa (từ tiến sĩ đến trạng nguyên), trong đó có 68 vị được lưu danh tại Văn Miếu -  Quốc Tử Giám. Thường Tín có tới 11 làng khoa bảng - nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, lễ hội khai bút mang ý nghĩa rất lớn nhằm ôn lại truyền thống hiếu học, để lớp trẻ noi gương các bậc tiền nhân đi trước.

Ngoài ra, huyện Thường Tín có tới 126 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề được Nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống. 

Trong những năm gần đây, Thường Tín đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề như: Phục chế long bào Đông Cứu, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân và các làng nghề lược sừng Thụy Ứng, chăn bông Trát Cầu…

Anh Trần Trọng Mạnh ở thôn Văn Hội cho biết: “Văn Hội trước là đất học nổi tiếng, có cụ Trần Trọng Liêu đỗ tiến sĩ năm 1733 được lưu danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lễ hội khai bút như lời nhắc nhở, động viên không chỉ con em thôn Văn Hội, mà toàn huyện Thường Tín tiếp nối truyền thống hiếu học, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Cùng với đó, lễ hội cũng là dịp để các thế hệ trong làng tôn vinh, chung tay bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của làng nghề, vừa là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo chùa Văn Hội