Mỹ Đức phát triển du lịch ''xanh''

Bảo Khánh| 25/09/2020 14:00

(HNMCT) - Nhắc tới huyện Mỹ Đức, nhiều người nghĩ ngay đến quần thể di tích, danh thắng Hương Sơn với mùa lễ hội kéo dài 3 tháng đầu năm. Nhưng không chỉ có vậy, Mỹ Đức còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và nông nghiệp. Đây chính là thế mạnh để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch “xanh”, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Du khách chụp ảnh tại suối Yến, chùa Hương. Ảnh: Trần Quang Quý

Tiềm năng phong phú

Nằm ở phía tây nam Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 50km, Mỹ Đức là vùng bán sơn địa, có dãy núi đá vôi chạy dọc ở phía tây đan xen với sông, hồ tạo nên nhiều danh thắng hấp dẫn. Nơi đây không chỉ đi vào các tác phẩm thi ca, nhạc họa với dòng suối Yến như dải lụa vắt ngang núi rừng Hương Sơn, mà còn có hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai được ví như những “Hạ Long trên cạn”.  

Hồ Quan Sơn có diện tích khoảng 850ha, trải dài trên địa bàn các xã Thượng Lâm, Tuy Lai, Hồng Sơn của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và một phần của huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Với 20 ngọn núi đá vôi lớn nhỏ trồi lên giữa lòng hồ, Quan Sơn được ví như “Hạ Long trên cạn”, sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Cách đó không xa là hồ Tuy Lai (xã Tuy Lai) có diện tích 2.650ha, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi, các hang động và thung lũng tạo thành một vùng sơn thủy hữu tình không thua kém Tràng An (Ninh Bình). Không những thế, nơi đây còn có 10 di tích lịch sử - văn hóa gồm các đình, đền, chùa tạo nên không gian thanh tịnh, phù hợp với du khách muốn trải nghiệm, khám phá văn hóa tâm linh.

Vài năm trở lại đây, xã An Phú được nhiều người biết đến như là “thiên đường chụp ảnh” với những cánh đồng sen trải dài trên diện tích gần 200ha. Cứ mỗi độ sen nở, du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận lại tìm đến An Phú để lưu giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp. Nhờ phát triển du lịch, những đầm sen ở xã miền núi An Phú đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hữu Vọng, chủ hộ trồng sen ở xã An Phú cho biết: “Những năm gần đây, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình canh tác từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen phục vụ du lịch. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Cây sen đã giúp người dân An Phú “đổi đời” và góp phần không nhỏ vào việc phát triển du lịch “xanh” của huyện Mỹ Đức”.

Đa dạng hóa sản phẩm

Những năm qua, du lịch huyện Mỹ Đức thu hút lượng khách ổn định với khoảng 1,3 - 1,4 triệu lượt khách/năm; ngày càng khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và người dân.

Ông Hoàng Mạnh Tấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Hằng năm, du lịch thu hút trên 5.000 lao động chủ yếu là người dân địa phương. Vì thế, huyện luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là những lao động trực tiếp tham gia hoạt động du lịch. Từ năm 2016 đến năm 2019, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, văn hóa ứng xử, tuyên truyền Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa, Luật Giao thông đường thủy nội địa, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho 1.870 chủ cơ sở kinh doanh, người dân trên địa bàn. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách”.

Bên cạnh đó, Mỹ Đức cũng chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, huyện đã lập các quy hoạch chi tiết để phát triển du lịch một cách bài bản, trong đó đáng chú ý là Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương Sơn tỷ lệ 1/2000, Quy hoạch Khu du lịch sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn, Quy hoạch Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai gồm khu làng dưỡng sinh (931ha) và khu an dưỡng đường (429ha), Trung tâm Festival hoa sen Hương Sơn...

“Với các quy hoạch chi tiết này, Mỹ Đức kỳ vọng tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng nhằm thu hút du khách vào tất cả các thời gian trong năm, hạn chế tính mùa vụ gây nên hiện tượng quá tải tại khu vực chùa Hương vào mỗi mùa lễ hội”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Bên cạnh các sản phẩm du lịch đã và đang tạo được tiếng vang với du khách như đầm sen An Phú, hoa súng chùa Hương, rối Tế Tiêu..., nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở Mỹ Đức đã bắt tay vào phát triển dịch vụ homestay, xây dựng các nhãn hiệu tập thể sản phẩm nông nghiệp, làng nghề như: Rau sắng chùa Hương, dệt Phùng Xá... để đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Hy vọng, những nỗ lực này sẽ sớm mang lại “trái ngọt” cho du lịch Mỹ Đức trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức phát triển du lịch ''xanh''