Thạch Thất phát triển du lịch từ làng xã

Mỹ An| 20/08/2020 13:24

(HNMCT) - Thạch Thất có bề dày văn hóa - lịch sử lâu đời, trên địa bàn hiện có hơn 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề truyền thống đã được công nhận, cùng 92 di sản văn hóa phi vật thể được người dân ở 122 thôn, làng chung tay bảo vệ. Đó là điều kiện thuận lợi để Thạch Thất phát triển du lịch văn hóa với cái “gốc” từ làng xã.

Sản xuất quạt giấy ở làng mộc Chàng Sơn. Ảnh: Linh Tâm

Những “chất liệu” đặc trưng

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam từng rất thích thú trước những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc, có thể “đậu” trên mọi đồ vật. Sản phẩm này do những người dân xóm chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) sáng tạo. Chính sự gắn bó với đời sống văn hóa làng xã đã tạo nên một sản phẩm lưu niệm đặc sắc mang thương hiệu Thạch Xá, giúp những giá trị truyền thống của Việt Nam theo cánh chuồn chuồn tre “bay” ra thế giới.

Cùng với nghề làm chuồn chuồn tre, xã Thạch Xá còn có nghề làm chè lam nổi tiếng. Ông Nguyễn Huy Hiến, chủ một cơ sở sản xuất chè lam cho biết: “Chè lam Thạch Xá có hương vị khác biệt nhờ khâu chọn nguyên liệu kỹ càng, chế biến theo phương thức thủ công”. Có thể nói, nghề làm chuồn chuồn tre và chè lam đã tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đến Thạch Xá.

Đến với làng Ra (nay là thôn Phú Hòa, xã Bình Phú), du khách có dịp ghé thăm làng nghề mây giang đan và thưởng thức nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật rối nước làng Ra có lúc tưởng thất truyền, nhưng người dân nơi đây đã nỗ lực phục hồi nghệ thuật truyền thống của cha ông. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Chính cho biết: “Dân làng đều ủng hộ việc khôi phục nghệ thuật múa rối. Hơn nữa, những con trò vẫn được cất giữ ở đình nên rất thuận lợi cho việc khôi phục nghệ thuật này”. Việc người dân thôn Phú Hòa cùng chung tay bảo vệ nghệ thuật múa rối nước và gìn giữ nghề mây giang đan truyền thống đã góp phần thu hút khách du lịch đến với xã Bình Phú.

Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 50 làng có nghề, trong đó 10 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Ngoài ra, huyện còn sở hữu 209 di tích, 92 di sản văn hóa phi vật thể với nhiều môn nghệ thuật cổ truyền như chèo Canh Nậu, múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú; nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Mường... Đặc biệt, mỗi địa phương trong huyện đều có những lễ hội văn hóa riêng gắn với truyền thống, lịch sử làng xã. “Đó là chất liệu làm nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Thạch Thất”, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Phát huy nội lực để phát triển bền vững

Trong định hướng quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, Thạch Thất luôn xác định trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, những năm qua, huyện đã nỗ lực thực hiện Đề án "Phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 - 2020", trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khuyến khích phát triển du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch trải nghiệm làng xã ở các mặt khác nhau như sản xuất nông - lâm nghiệp, làng nghề, lịch sử - văn hóa ẩm thực... “Đây là thế mạnh, là tài nguyên để phát triển du lịch Thạch Thất ngày một đa dạng, có tính cạnh tranh cao so với các địa phương lân cận”, bà Loan cho biết.

Thạch Thất là một trong những huyện đi đầu trong việc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa làng, xã truyền thống và vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp trong quá trình phát triển. “Thạch Thất chọn hướng phát triển du lịch dựa trên nội lực, thế mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế và nguồn tài nguyên du lịch của huyện; phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững”, bà Nguyễn Kim Loan chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho rằng, Thạch Thất có tiềm năng phát triển mô hình du lịch làng nghề, du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu cuộc sống ở làng quê. “Không chỉ duy trì và phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống, du lịch làng nghề còn góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động. Khi người dân được hưởng lợi từ du lịch, họ sẽ là người duy trì sự phát triển bền vững của làng mình”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất phát triển du lịch từ làng xã