Nhà D67 - nơi “kể chuyện” lịch sử

Bài và ảnh: Ngữ Thiên| 25/04/2020 08:26

(HNMCT) - Trong Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có nhiều công trình gắn với các sự kiện lịch sử của đất nước, một trong số đó là di tích nhà D67. Đây là nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến nay, công trình nhà D67 luôn mang ý nghĩa đặc biệt, thu hút khách tham quan.

Công trình đặc biệt

Năm 1967, một kiến trúc đặc biệt được xây dựng phía sau “Nhà con rồng” - nơi làm việc của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương - nhằm bảo đảm an toàn cho các cuộc họp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và quân đội khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc. Đó là nhà D67 (được xây dựng từ tháng 4 đến tháng 7-1967) - tòa nhà một tầng, có móng, tường và mái bằng bê tông nguyên khối. Tường ngoài dày 0,6m, tường ngăn dày 0,28m. Mái có ba lớp, trần dày 0,15m, ở giữa là đệm cát dày 0,7 - 1,15m, lớp trên bằng bê tông dày 0,35m.

Phòng lớn nhất ở giữa là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, bên cạnh là phòng nghỉ giải lao. Sát cạnh phòng họp chính là phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đầu bên kia, cạnh phòng giải lao là nơi làm việc của Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Từ nhà D67 có hai cầu thang, mỗi bên 45 bậc, dẫn xuống hầm D67 (còn gọi là hầm Quân ủy Trung ương) sâu 9m, được thiết kế kiên cố với nhiều lớp cửa chống được bom hạng nặng. Căn hầm gồm phòng họp lớn, phòng trực ban và phòng chứa các thiết bị thông hơi, lọc độc, cung cấp không khí sạch nhằm đối phó với các cuộc tấn công hóa học, sinh học.

Từ tháng 9-1968 đến ngày 30-4-1975, nhà D67 là nơi ghi dấu trí tuệ và quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc đề ra chủ trương, kế hoạch chiến lược, các chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu. Ngày 18-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại nhà D67 bàn kế hoạch và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuốn Tổng tập Hồi ký (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 1.225) của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định. Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng được tập trung cao độ, lập kế bày mưu, hạ quyết tâm giành toàn thắng”.

Trong cuộc chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975, tại nhà D67 diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng” (điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn quân, ngày 7-4-1975), toàn quân, toàn dân ta đã tiến tới thắng lợi cuối cùng. Trưa ngày 30-4-1975, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã đón tin giải phóng miền Nam trong niềm hân hoan vô bờ bến. Mọi người ùa ra sân “Nhà con rồng” mừng vui, xúc động trào nước mắt.

Điểm đến hấp dẫn, xúc động

Phòng họp trong nhà D67, các biển tên được xếp theo vị trí các đồng chí dự cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng ngày 18-12-1974.

Cùng với các công trình kiến trúc xưa của Hoàng thành Thăng Long, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến là một phần cấu thành trong khu di sản này. Di tích nhà D67 được phục hồi và mở cửa đón khách tham quan từ năm 2004. Từng hiện vật ở đây đều gợi nhớ về một thời gian khổ và oanh liệt của một dân tộc anh hùng.

Bạn Nguyễn Xuân Quỳnh, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, một tình nguyện viên hướng dẫn tham quan của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội kể: “Rất nhiều bác trong các đoàn cựu chiến binh đến tham quan nhà D67 đã khóc vì xúc động khi được vào tận nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Những di tích kháng chiến trong Di sản văn hóa thế giới Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong những hoạt động giáo dục lịch sử cho các trường học trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là điểm nhấn trong hành trình tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: “Bảo tồn các di tích trong Thành cổ Hà Nội là bảo tồn sự liên kết tinh tế giữa các di tích dấu xưa của Thăng Long - Hà Nội với các di tích lịch sử thời hiện đại để nơi đây thực sự trở thành một di tích - công viên lịch sử văn hóa. Mỗi di tích trong Thành cổ Thăng Long như một chứng nhân của lịch sử mang những thông điệp khác nhau từ các vương triều phong kiến tự chủ cho đến những chiến công chống ngoại xâm hiển hách thời đại Hồ Chí Minh”.

Cùng với di tích nhà D67, trong khu Hoàng thành Thăng Long còn có những căn hầm khác như hầm 59 của văn phòng giúp việc Bộ Tổng tham mưu, hầm 66 của bộ phận cơ yếu... đang từng bước được phục hồi. Những căn hầm này sẽ tiếp tục “sống” và “kể” câu chuyện lịch sử cách mạng cho công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà D67 - nơi “kể chuyện” lịch sử