Du lịch Ứng Hòa: Kết nối và tạo dấu ấn

Bài và ảnh: Mỹ An| 09/04/2020 09:26

(HNMCT) - Nằm ở phía đông nam Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô hơn 30km, Ứng Hòa sở hữu hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, mang đặc trưng của nền văn minh sông Hồng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đó chính là điều kiện thuận lợi để vùng đất này kết nối, khai thác thế mạnh, phát triển sản phẩm du lịch có dấu ấn riêng.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo.

Bề dày văn hóa, lịch sử

Là mảnh đất lịch sử - văn hóa lâu đời cùng truyền thống cách mạng, Ứng Hòa có 433 di tích (trong đó có 167 di tích được xếp hạng: 68 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 99 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố), tiêu biểu trong số đó có đình Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình), Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI; đình Nội Xá (xã Vạn Thái), công trình tín ngưỡng tiêu biểu gắn liền với lễ hội giã bánh giầy truyền thống (mùng 10 tháng Giêng âm lịch); đền Đức Thánh Cả (xã Hồng Quang) - Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia...

Đặc biệt, Ứng Hòa còn có hệ thống di tích thời Đinh, thờ Đinh Bộ Lĩnh và các vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân, tiêu biểu như đền Bách Linh (xã Hòa Nam) thờ Đinh Tiên Hoàng và 100 vị thần của 47 xã thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ trước đây, nay là các huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức; đền Phù Lưu (xã Phù Lưu) thờ Không Bảng đại vương triều Đinh...

Ngoài ra, trên địa bàn Ứng Hòa còn có các bảo tàng, nhà lưu niệm cách mạng như: Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn (xã Hòa Xá), Bảo tàng và tượng đài Khu Cháy (xã Đồng Tân), Nhà lưu niệm đồng chí Trần Đăng Ninh (xã Quảng Phú Cầu) và các nhà thờ danh nhân, chí sĩ yêu nước như: Dương Khuê (thị trấn Vân Đình), Nguyễn Thượng Hiền (xã Liên Bạt)... Ứng Hòa hiện còn bảo tồn 63 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 50 lễ hội, 8 nghề thủ công, 3 tập quán xã hội..., trong đó có 12 di sản được ưu tiên bảo vệ.

Là vùng chiêm trũng, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi nên bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, Ứng Hòa còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với những sản phẩm đặc trưng và các đặc sản như vịt cỏ Vân Đình, bánh cuốn Vân Đình, bún Bặt; làng nghề sản xuất tăm hương (xã Quảng Phú Cầu), làng nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm), làng nghề mây tre đan xuất khẩu xã Trường Thịnh, làng đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ)...

Sinh viên Trần Trung Dũng (khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thường xuyên phải đi thực tế để bổ trợ kiến thức về nhiếp ảnh. Các làng nghề ở Ứng Hòa với "chất" riêng thường mang lại cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tác những bức ảnh khác biệt...”. Còn chị Vũ Bích Huệ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần HanoiRedtours thì cho rằng, Ứng Hòa có nhiều địa điểm lý tưởng để xây dựng tour, tuyến với không ít trải nghiệm hấp dẫn, đặc biệt phù hợp với du khách ưa tìm hiểu văn hóa.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, huyện Ứng Hòa đã xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển theo hướng kết nối sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với việc phát triển du lịch bền vững. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa cho biết: "Ứng Hòa chọn hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc, đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, huyện xác định phát triển đồng bộ các điểm du lịch bao gồm du lịch lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng với các làng nghề nhằm tạo những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu riêng của Ứng Hòa”.

Để thu hút du khách, huyện đã xây dựng các tour, tuyến tham quan, kết nối các điểm di tích, làng nghề và ẩm thực để phục vụ du lịch, trong đó đáng chú ý là 2 tuyến sản phẩm đặc trưng gồm: Tuyến tham quan Bảo tàng và tượng đài Khu Cháy - Khu di tích chùa Chòng, đền Đông - Khu lưu niệm xóm Cộng Hòa - Thăm và tìm hiểu xuất xứ nghề làm đàn thôn Đào Xá và nghề may áo dài Trạch Xá. Tuyến thứ hai là hành trình thăm Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn - Ngắm cảnh quan sông Đáy và đền Đức Thánh Cả, đình Hoàng Xá và thưởng thức đặc sản cháo vịt Vân Đình, bún cá, bánh cuốn...

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát huy giá trị làng cổ gắn với xây dựng điểm đến du lịch tại 3 làng: Cao Lãm (xã Cao Thành), Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn), làng Bặt (xã Liên Bạt), nơi còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống và cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, trong năm 2019, huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch làng Chòng (xã Trầm Lộng) với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành làng du lịch nông nghiệp - nông thôn tiêu biểu của Hà Nội.

Không gian văn hóa truyền thống, cộng thêm di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng chùa Chòng từng là ATK Xứ ủy Bắc kỳ... là điều kiện thuận lợi để làng Chòng phát triển mô hình du lịch homestay, trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt, nơi đây còn là điểm dừng chân cho du khách trong hành trình du lịch tâm linh kết nối chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình).

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, đề án này phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thế giới. Tổng cục Du lịch sẽ nghiên cứu, đưa Đề án phát triển du lịch làng Chòng vào danh mục Dự án du lịch nông thôn trọng điểm để tập trung phát triển.

Bên cạnh việc huy động, kết hợp tổng thể các giải pháp, chính sách phát triển du lịch cùng với việc xây dựng những sản phẩm có dấu ấn riêng, chắc chắn du lịch Ứng Hòa sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Ứng Hòa: Kết nối và tạo dấu ấn