Về thăm chùa cổ Đại Bi

Bài và ảnh: Lương Đình Khoa| 27/03/2020 10:32

(HNMCT) - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km, chùa Đại Bi - ngôi cổ tự mang trong mình giá trị và vẻ đẹp đặc biệt, tọa lạc trên mảnh đất lịch sử, văn hóa được cả nước biết tới.

Nơi “sơn chầu thủy tụ”

Chùa Đại Bi nằm ở ngã ba sông Bạch Hạc, gần cầu Việt Trì (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Đây được coi là nơi “sơn chầu thủy tụ” khi sông Lô, sông Đà và sông Thao cùng tụ hội, hình thành nên con sông Hồng rộng lớn. Một vùng sông nước mênh mang có những núi đồi nhấp nhô hướng về Nghĩa Lĩnh - ngọn núi cao 175 mét, trông xa như một con rồng lớn hướng mình về phía Nam.

Cuốn Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền được viết vào thời Hồng Đức (1470 - 1497) có ghi chép về việc kiến lập đô thành của Kinh Dương Vương (ông nội của Hùng Vương thứ nhất, thuộc dòng dõi Thần Nông, vốn được suy tôn là thủy tổ của người Bách Việt) như sau: “Ngàn núi cùng vạn sông đều chầu về núi Nghĩa Lĩnh. Ở đây có thể thu hút được các hình thế núi sông, quả là vùng rất đẹp ở Phong Châu, vua bèn cho lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh.

Thời ấy vua thường ra bên ngoài ở, lập đô thành ở Phong Châu nay thuộc thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, dựng nước lấy tên là Văn Lang”. Sách Lĩnh nam chích quái được soạn vào thời Trần và sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi đều viết: “Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cành lá xum xuê, không biết che lợp tới mấy ngàn dặm. Có chim hạc đến đậu nên chỗ đất đó gọi là đất Bạch Hạc”.

Là nơi án ngữ về giao thông thủy bộ giữa vùng đồng bằng và vùng trung du Bắc Bộ, ngã ba Bạch Hạc được coi là điểm trọng yếu về phòng thủ quân sự, góp phần làm nên nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta. Theo sử sách, Hai Bà Trưng đã trú quân ở đây và bãi cát Trường Sa là nơi luyện quân của Hai Bà. Đến thời Trần, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã lập phòng tuyến Bạch Hạc chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, sau đó, ông được dân thờ ở đền Tam Giang nằm sát chùa Đại Bi ngày nay. Đứng ở khuôn viên chùa Đại Bi, dõi mắt hướng về phía tây sẽ thấy đỉnh núi Ba Vì mờ xa (núi Cha), hướng về phía đông thấy ngay dãy núi Tam Đảo điệp trùng (núi Mẹ).

Những giá trị văn hóa, tâm linh

Đại Bi tự còn có tên gọi khác là chùa Tam Giang, nằm quay mặt về phía sông, nhìn theo hướng tây bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ quốc tổ Hùng Vương. Có hai nguồn sử liệu về việc xây dựng chùa Đại Bi. Có nguồn cho rằng ngôi chùa cổ do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng. Nhưng cũng có nguồn nói chùa do tướng Kiều Công Hãn - thủ lĩnh Phong Châu thời 12 sứ quân cho xây dựng khi ông lập căn cứ ở đây. Do chiến tranh và thiên tai tàn phá, chùa cổ xuống cấp, mất dần dấu tích. Diện mạo hiện tại của chùa được tạo nên từ cuộc đại trùng tu diễn ra cách đây 20 năm, với nguyên mẫu là ngôi chùa Việt cổ với bờ cong tám mái, những đầu đao chạm rồng cao vút...

Điểm nhấn đầu tiên khi đặt chân lên thềm chính điện chùa Đại Bi là toàn bộ cánh cửa gỗ hướng ra sông, các bức phù điêu gỗ trên mái đều được chạm nổi hình các vị Bồ tát, La hán. Bước vào chính điện, nổi bật là hệ thống cửa võng trước các gian thờ được chạm trổ tinh xảo, thếp vàng. Các cột trụ và xà ngang được chạm khắc sinh động với họa tiết hoa cúc, hoa sen, tứ linh và những câu đối bằng đồng toát lên vẻ đẹp linh thiêng, hoàn mỹ. Phía trên đỉnh cửa võng của gian chính giữa có treo một tấm hoành phi khắc bài chú Đại Bi bằng tiếng Phạn. Phía dưới là 5 pho tượng Phật ngự trên tòa sen theo hình dáng Mật Tông của Tây Tạng. Ngoài ra, trong chùa còn có tượng Bồ tát Liên Hoa Sinh, Bồ tát Địa Tạng...

Trong sân chùa Đại Bi có hai nhà bia đối xứng, lưu giữ 6 bia đá “hậu thần bia ký” đứng trên lưng rùa. Chuông đồng được Trần Nhật Duật đúc và cung tiến sau đại thắng quân Nguyên Mông lần hai. Trưởng công chúa Thiên Thụy - con gái đầu của vua Trần Thánh Tông được giao khắc bài Minh chuông Thông Thánh. Đây được coi là những cứ liệu lịch sử giá trị giúp nghiên cứu nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần.

Bên trái chùa Đại Bi có một “bàn chân khổng lồ” mô phỏng theo bàn chân của người Giao Chỉ xưa. Theo lời kể của người dân trong vùng, trước đây ở khu vực này cũng có vết chân khổng lồ nhưng đã bị nước rửa trôi. Năm 2007, khi hoàn thành việc trùng tu chùa, những người thợ đã dựa theo truyền thuyết, đắp nên vết chân bằng bê tông như hiện tại.

Cụm đền - chùa Tam Giang rộng hơn 1.000m2, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 6-2010. Nơi đây được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần cộng đồng cư dân làng xã suốt gần 700 năm qua. Nhà giáo Bùi Bạch Liên (125 đường Giải Phóng, Hà Nội) bày tỏ: “Vốn quen với nhịp sống ồn ào ở thành phố nên về đến chùa Đại Bi, tôi cảm nhận như ở một thế giới khác với khoảng lặng bình yên. Nhân chuyến tham quan cùng gia đình, tôi muốn cho các cháu nhỏ tìm hiểu về công đức của các bậc tiền nhân thời khai quốc cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Ông Nguyễn Văn Cống (75 tuổi), Phó Trưởng ban quản lý cụm di tích đền - chùa Tam Giang cho biết: Mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách đến tham quan đền Tam Giang - chùa Đại Bi, tập trung đông nhất là thời điểm đầu năm và Lễ hội Đền Hùng (mùng 10 tháng 3 âm lịch). “Với lòng tôn kính, dân làng Bạch Hạc và du khách thập phương thường đến đền, chùa nhằm bày tỏ khát vọng và mong muốn có cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an”, ông Nguyễn Văn Cống chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thăm chùa cổ Đại Bi