Về miền huyền tích Cổ Loa

Ngữ Thiên| 19/03/2020 11:16

(HNMCT) - Cổ Loa hấp dẫn du khách, gợi nhớ về một vùng cổ tích. Các lớp văn hóa bồi đắp theo thời gian càng khiến Cổ Loa thêm lung linh huyền ảo. Từ thuở ấu thơ, mỗi người con đất Việt đã thuộc lòng truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, lớn lên còn biết thêm về vùng đất này gắn với việc Ngô Quyền xưng vương, mở nền độc lập...

Gác chuông đền Thượng Cổ Loa.

Còn đó dấu tích của thành ốc, nỏ thần

Cổ Loa là tòa thành đầu tiên được xây dựng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Ba lớp thành sừng sững được thi công bằng nguồn nhân lực dồi dào, tổ chức chặt chẽ, thực sự là một thách thức lớn đối với kẻ xâm lược. 

Hôm nay, đến Cổ Loa vẫn thấy hình bóng của vũ khí chính là cung nỏ, thông qua các di tích, địa danh như: Gò Đống Bắn, Ngự Xạ Đài, Cường Nỗ, Uy Nỗ, Kính Nỗ (nỗ: nỏ)... Tương truyền, Cổng Gỗ là nơi đặt lò đúc mũi tên, Cầu Dâu là nơi vua thường cho chở đồng đến... Con số 10 trong 85 địa danh ở vùng Cổ Loa được thống kê có liên quan đến cung nỏ là không hề nhỏ.

Từ năm 1959, người ta phát hiện kho tên đồng với hàng vạn chiếc tại khu vực Cầu Vực. Nhưng phải tính từ cuộc khai quật Đền Thượng năm 2005, khi di tích Lò đúc mũi tên đồng cùng các khuôn đúc mũi tên ba cạnh được phát hiện thì truyền thuyết “nỏ thần” mới dần được chứng minh bằng những hiện vật cụ thể, luận cứ khoa học xác đáng. Mẫu vật tro than được tìm thấy tại di tích Lò đúc đồng trong ba đợt khai quật khảo cổ học (2005 - 2007) được gửi đi giám định tại Đại học Arizona (Hoa Kỳ) cho phép hình dung “tuổi” của Cổ Loa thành được tính từ năm 159 trước Công nguyên.

Cây nỏ linh thiêng có sức mạnh huyền thoại “chỉ sông sông cạn, chỉ ngàn ngàn tan” trong truyền thuyết cũng được các nhà khoa học đưa ra ánh sáng. PGS.TS Lại Văn Tới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người nhiều lần chủ trì khai quật khảo cổ ở Cổ Loa, cho biết: “Cổ Loa là mảnh đất thật sự hấp dẫn với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã hợp tác với các nhà khảo cổ học Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... và các trường đại học lớn để nghiên cứu Cổ Loa trên nhiều khía cạnh. Sự hợp tác này đã mở ra những điều kiện thuận lợi trong công tác nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam”. 

Mũi tên đồng và lẫy nỏ Cổ Loa.

Chu kỳ lịch sử 1.000 năm

Ít nhất, địa danh Cổ Loa đã ba lần chói sáng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi lần cách nhau khoảng 1.000 năm. Nhờ có vũ khí lợi hại, có thành Cổ Loa kiên cố và sự đồng lòng nên Âu Lạc đã đứng vững trước nhiều cuộc xâm lược của Triệu Đà. Nhưng những sai lầm của An Dương Vương khiến Âu Lạc bị suy yếu. Cách thức bố phòng ở kinh thành Cổ Loa, tổ chức quân đội cũng như vũ khí bí mật của Âu Lạc đã bị Trọng Thủy đánh cắp từ sự mất cảnh giác của An Dương Vương, khiến cho Âu Lạc bị thôn tính.

Thêm gần 1.000 năm trôi qua, sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa, thiết lập bộ máy nhà nước độc lập đầu tiên. Sử cũ chép: “Năm Kỷ Hợi (939), mùa xuân, Ngô Quyền bắt đầu xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục...”. Sự kiện này là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu chính thức kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho quốc gia Đại Việt.

Các sử gia đời sau tôn vinh Ngô Quyền là “bậc Tổ Trung hưng thứ nhất” của dân tộc trong thời phong kiến. Dù những dấu tích vật chất về Ngô Quyền và vương triều ngắn ngủi của ông ở Cổ Loa đến nay chỉ còn trong những ghi chép chính văn, nhưng tâm thức dân gian vẫn ghi nhớ công lao của Ngô Vương qua cây đa nghìn tuổi Ngô Quyền trồng ở Cổ Loa, giếng nước nhà Ngô hay huyền tích Ngô Quyền thả trôi quả bầu theo dòng sông để đặt mốc giới phân chia đất cho dân Dục Tú....

Năm 1972, Tiểu đoàn 59, Đoàn tên lửa Thành Loa (Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không 361) đã đặt trận địa tại Cổ Loa để bảo vệ vùng trời Hà Nội. 20h13 phút ngày 18-12-1972, trong đêm đầu tiên của chiến dịch Linebacker II, quân đội Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B52 tập kích Hà Nội nhưng đã bị những trận địa tên lửa - “nỏ thần Cổ Loa” hiện đại - quật ngã, bốc cháy như bó đuốc khổng lồ, rơi thẳng xuống cánh đồng Chuôm (xã Phù Lỗ). Chiếc “siêu pháo đài bay” đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội đã làm sụp đổ thần tượng của không lực Hoa Kỳ. Đó là thắng lợi đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các lực lượng bảo vệ Hà Nội thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Địa danh Cổ Loa một lần nữa được nhắc đến vang dội, tự hào.

Hiện vật khảo cổ học khuôn đúc mũi tên đồng ở Cổ Loa. Ảnh: Vương Anh

Phát huy giá trị di tích

Ngày nay, đến với Cổ Loa, du khách tận mắt thấy dấu vết của lò đúc, những phần còn lại của khuôn đúc, mũi tên đồng ba cạnh đặc trưng của Cổ Loa - sản phẩm mang “thương hiệu Việt” từng nhiều lần gây kinh hoàng cho quân xâm lược phương Bắc. Lịch sử vẫn hiện hữu trên từng tấc đất. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, là người Cổ Loa, cho biết: “Cổ Loa đã được quy hoạch và đầu tư để trở thành một vùng du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn. Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, chúng tôi cũng xúc tiến nhiều chương trình liên kết với các ngành Du lịch, Giáo dục để phát huy hơn nữa giá trị nhiều mặt của Khu di tích quốc gia đặc biệt này trong tương lai”.

Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20km, giao thông thuận lợi, du khách có thể dễ dàng đến với Cổ Loa để chiêm nghiệm không gian trầm mặc của huyền tích và lịch sử, thưởng thức món bánh chưng Tày gợi nhớ nguồn gốc Âu Lạc xa xưa hay món bún Mạch Tràng xào cần, món giò bó mo cau không nơi nào có...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền huyền tích Cổ Loa