Khám phá “con đường di sản” Sơn Tây

Bảo Khánh| 13/03/2020 16:27

(HNMCT) - Thị xã Sơn Tây nằm ở cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội. Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 40km với khoảng một giờ di chuyển, du khách đã có thể thoát khỏi những ồn ào náo nhiệt của đô thị để đến với một vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Đó là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với những du khách ưa trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa...

Theo dấu thời gian

Sơn Tây có mật độ di tích khá dày với tổng số 244 di tích, trong đó có 74 di tích đã được xếp hạng (16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố). Hệ thống di tích này mang những giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của vùng đất cổ Sơn Tây, trong đó không ít di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc với du khách.

Khởi công năm 1822, thành Sơn Tây được xây kiểu Vauban - lối kiến trúc đặc trưng của phương Tây, nhằm tăng sức mạnh phòng thủ bởi nơi đây được xếp là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ... Trải qua gần 200 năm, tuy đã xuống cấp nhưng những dấu tích còn lại cùng không gian cổ kính của thành vẫn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt.

Cách đó không xa, làng Việt cổ Văn Khê (xã Xuân Sơn) còn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, nổi bật là đình Văn Khê - công trình kiến trúc nghệ thuật quý hiếm. Đình thờ Tản Viên Sơn thánh - Đệ nhất phúc thần của người Việt xưa, được xây dựng vào năm 1642, theo kiến trúc chữ Nhất, gồm 3 gian hai dĩ, bốn mái đao cong. Đến thời Nguyễn, đình được tôn tạo thêm phần hậu cung. 

Không chỉ là vùng đất cổ, Sơn Tây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là đất học giàu truyền thống. Minh chứng tiêu biểu là di tích Văn Miếu Sơn Tây - thờ Khổng Tử cùng các danh nhân khoa bảng xứ Đoài. Năm 2008, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây được phục dựng. Đây hiện là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong hành trình đến với Sơn Tây.

Không thể không nhắc tới làng cổ Đường Lâm, ngôi làng cổ đầu tiên trên cả nước được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn Bắc Bộ. Ngoài những giá trị vật thể, Đường Lâm còn bảo lưu các lễ hội tôn vinh các vị anh hùng dân tộc cùng những phong tục, tập quán điển hình của làng Việt cổ truyền thống. Ông Shimabukuro Nakamura, du khách đến từ tỉnh Okinawa (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi đã thăm ngôi làng này và được tận mắt thấy cuộc sống bình dị của người dân. Không gian cổ kính, đậm chất truyền thống cùng sự dân dã, thân thiện của người dân nơi đây khiến tôi cảm thấy như đang trở về nhiều thế kỷ trước”.

Tìm hướng cho “con đường di sản”

Với hệ thống di tích dày đặc, mang tính đặc trưng, điển hình nên du lịch văn hóa - lịch sử được xác định là một trong ba sản phẩm chính của du lịch Sơn Tây, cùng với du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. “Hạt nhân” của du lịch văn hóa - lịch sử là Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - làng cổ Đường Lâm. 

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sơn Tây đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thị xã, gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong 3 năm qua, thị xã đã tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 16 di tích với tổng số vốn là 108 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa gần 4 tỷ đồng. Riêng tại làng cổ Đường Lâm đã tu bổ, tôn tạo nhiều di tích và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền gần 118 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm gắn với phát triển du lịch. Cuối năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã công nhận làng cổ Đường Lâm là điểm đến tiêu biểu của thành phố. Đây là cơ hội để Đường Lâm và Sơn Tây tiếp tục phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử như một thế mạnh nổi bật.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty TNHH du lịch AZA Travel cho rằng, có thể coi trục tour Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - làng cổ Đường Lâm là “con đường di sản” của thị xã Sơn Tây. “Không chỉ là những di tích đơn thuần, “con đường di sản” này còn có sức hấp dẫn đặc biệt với những di sản văn hóa phi vật thể hấp dẫn như Lễ hội đền Và, lễ giỗ Phùng Hưng... cùng những phong tục, tập quán truyền thống được giữ gìn nguyên vẹn. Trước mắt, Sơn Tây cần tăng cường kết nối các điểm di tích này với các hoạt động trải nghiệm tại làng cổ Đường Lâm, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị lữ hành để sản phẩm dễ tiếp cận du khách hơn”, ông Đạt chia sẻ.

Bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao thị xã Sơn Tây cho biết: Nhằm giới thiệu, quảng bá về hệ thống di tích lịch sử, những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Đoài và những điểm đến thu hút khách du lịch của thị xã Sơn Tây, 3 năm qua (2017 - 2019), Sơn Tây đã xây dựng 20 chương trình với 250 tin, bài trên Đài Truyền thanh thị xã; đăng tải gần 400 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Sơn Tây, Website Làng cổ Đường Lâm; biên soạn và xuất bản 3.000 cuốn Cẩm nang du lịch Sơn Tây...

Thị xã cũng phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức 6 lớp tập huấn về du lịch cho cán bộ làm công tác quản lý di tích, du lịch và người dân Đường Lâm, thu hút trên 500 lượt người tham gia; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh viên tại di tích và chủ hộ nhà cổ để phục vụ công tác hướng dẫn cho khách tham quan... “Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển “con đường di sản” của thị xã Sơn Tây. Hy vọng một ngày không xa, con đường này sẽ được định danh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế”, bà Hương chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá “con đường di sản” Sơn Tây