Tiếng thơm Hương Ngải

Ban Đình| 27/02/2020 12:04

(HNMCT) - Hương Ngải là tên chữ của Kẻ Ngái ngày xưa, gọi nôm na là làng Ngái, thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội). Ngôi làng này nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, có nhiều di tích quý giá và là điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Quán Nghinh Hương.

Đậm đặc di tích

Ở Hương Ngải từng có 6 ngôi chùa, nhưng hiện chỉ còn 3, 2 ngôi đình và quán, miếu, văn chỉ, nhà thờ... Ba ngôi chùa đã mất dấu là chùa Lồ, chùa Chuông và chùa Diềm, những ngôi chùa hiện còn là Thượng Phúc tự (chùa Trên), Đại Phúc tự và Xuân Vi tự (chùa Dưới). Ba ngôi chùa này được xây dựng lại trên nền các chùa cũ, đều theo hình chữ “nhất” (một nhà ngang), qua cổng, qua sân gạch là đến không gian thờ cúng.

Các lớp tượng được bố trí từ thấp lên cao, giống như phần lớn các ngôi chùa ở Việt Nam. Điểm chung là các chùa đều thờ Phật Bà Quan Âm, sự khác nằm ở chỗ mỗi ngôi chùa phối thờ vị phật mà dân làng sùng kính.

Văn chuông chùa Đại Phúc (lập năm Tân Mão, 1831), phần “bài minh” có đoạn: “Chùa cổ Hương Ngải/ Đại Phúc nổi danh/ Cồ Đàm cảnh trí/ Đàm Việt lưu tình/... Nay đời bình trị/ Gặp vận thái bình/ Người vui việc thiện/ Tục sẵn lòng thành/ Biết bao cảm xúc/ Như ảnh ứng hình”.

Làng có hai ngôi đình là đình Đông Thanh và đình Giang, kiểu dáng kiến trúc mang dấu ấn lần tu tạo lớn dưới triều Nguyễn.

Di tích được đánh giá rất cao ở Hương Ngải là quán Nghinh Hương nằm ở đầu làng, nơi tương truyền có 7 cây đa cổ thụ (hàm ý ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu). Ngày xưa, người làng thi đỗ từ Cử nhân trở lên được coi là hiền tài, được đón ở Nghinh Hương, hy vọng tài năng, đức độ sẽ như sao tỏa sáng, khuyến khích mọi người học tập.

Kiến trúc của quán theo lối nhà Việt truyền thống nhưng 4 mặt để trống; cả 4 mái đao đều uốn cong hình thuyền. Đỡ các bộ vì mái là 4 cột đá xanh và 16 cột gỗ. Điều lý thú là nếu nhìn từ bên ngoài sẽ tưởng quán chỉ có 1 gian, nhưng đi vào trong mới thấy 3 gian, rồi lại thấy thêm nữa, cuối cùng hóa ra cả thảy có 9 gian (tượng trưng cho sự bền chắc). 

Cố nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Toàn, người quê Hương Ngải, từng nói, ngày xưa, làng có văn chỉ ở thôn Trên, đặt ở xóm Đông Liên (hiện không còn), và văn chỉ ở thôn Dưới (thôn 8 hiện nay). Dưới triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705), cụ Đỗ Thụ hiến đất làm nơi cúng tế Khổng Tử và các bậc tiên sinh đỗ đạt.

Năm Ất Tỵ (1845), cụ Nguyễn Hương Lĩnh đã sưu tầm gia phả các gia đình, tộc phả các dòng họ rồi cho khắc vào đá, lưu ở đình Giang. Đến năm Bính Thìn (1856), Tú tài Nguyễn Đăng Thản và Cử nhân Nguyễn Phan kêu gọi nhân dân xây dựng văn chỉ, làm nhà thờ, dựng bia “Hương hiền”, khắc tên 6 cụ đỗ đại khoa và các cụ đỗ Hương cống, Cử nhân. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1857) thì hoàn thành xây dựng văn chỉ, tổ chức tế lễ.

Trong làng còn có miếu thờ Tam vị thần hoàng làng với tiền tế trang trọng, chỉ những già làng thọ trăm tuổi trở lên và người đỗ đại khoa mới được ngồi. Trong hậu cung còn lưu giữ bức đại tự do vua Tự Đức (1847 - 1883) ban tặng năm Giáp Tuất (1874) với 4 chữ “Mỹ tục khả phong”. Đặc biệt, Hương Ngải còn lưu giữ được bản hương ước cổ soạn năm Canh Tuất (1730).

Bia "Hương hiền" ghi danh các vị đỗ đạt.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Hương Ngải vẫn giữ được cảnh quan của một làng quê truyền thống với cây đa, đình, chùa, đền, giếng, ao hồ, nhà cổ, với những phiên chợ Ngái nổi tiếng... Vào các ngõ xóm, ta vẫn thấy sự gần gũi, ấm cúng của một ngôi làng cổ truyền. Những ngõ xóm với tên gọi dân dã như Đồng Ngò, Bảy Ngoẹo, Mả Lách... gợi cho du khách những điều thú vị. Đi sâu tìm hiểu càng thấy khâm phục bởi đây là làng khoa bảng, nơi truyền thống hiếu học được bồi đắp và phát huy.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thiên Đồng, thần phả lưu trong văn chỉ cho biết Hương Ngải được hình thành vào thế kỷ III, xưa có 4 thôn, gọi là nậu, gồm: Nậu Thượng, Nậu Hạ, Nậu Trung và Nậu Tư. Từ thời Nguyễn (1802 - 1945), Hương Ngải là làng lớn nhất xã. “Đất học” Hương Ngải được truyền tụng là: “Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre”. Bia “Hương hiền” ở văn chỉ và các gia phả, tộc phả cho biết, thời phong kiến, làng có 6 vị đỗ đại khoa, trong đó 2 người đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) dưới triều Lý là Liêu Hữu Chương và Liêu Tiến Quang; 4 người đỗ Tiến sĩ là Đỗ Hịch (khoa Quý Sửu, 1493, làm quan đến chức Thượng thư), Phí Thạc (khoa Kỷ Sửu, 1529 làm quan đến chức Thượng thư), Đỗ Thê (khoa Ất Sửu, 1685, làm quan đến chức Giám sát ngự sử), Nguyễn Đăng Huân (khoa Kỷ Sửu, 1829, làm quan đến chức Lang trung bộ Lễ); 53 vị đỗ trung khoa.

Cụ Cấn Kỳ là một người trong “Sơn Tây tứ kiệt” (4 người hay chữ nhất vùng Sơn Tây). Danh nhân văn hóa Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965) vừa làm thuốc, soạn sách thuốc, vừa viết văn, là nhà văn viết nhiều tiểu thuyết nhất trong những năm 1920... Thời hiện đại, theo thống kê chưa đầy đủ thì Hương Ngải có gần 2.000 người có bằng đại học trở lên, trong đó có hàng chục Tiến sĩ, Thạc sĩ, một số người được phong hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, trở thành tướng lĩnh lực lượng vũ trang... Mỗi năm, Hương Ngải có trên dưới 50 học sinh thi đỗ đại học, cho thấy truyền thống “đất học” tiếp tục được phát huy.

Hương Ngải đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề về tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại. Với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 40%, các hộ tập trung vào kinh doanh, chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc, làm nhà gỗ truyền thống..., đời sống của nhân dân ngày một nâng cao.

Không gian văn hóa Hương Ngải được đánh giá là địa chỉ du lịch có tiềm năng lớn, cần được khai thác và phát huy. Một số điểm cần bổ sung là lắp đặt biển chỉ dẫn, in ấn văn bản giới thiệu, thuyết minh di tích... để du khách có thể hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa ở một làng quê xứ Đoài, để tiếng thơm Hương Ngải bay xa hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng thơm Hương Ngải