Thăm ngôi nhà cổ ở làng Lai Xá

Bài và ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy| 05/02/2020 17:06

(HNMCT) - Vợ chồng người bạn ở Italia lâu lâu mới về thăm quê hương. Chị người Italia, anh người Việt nhưng sống ở quê vợ đã gần nửa thế kỷ. Lần này về, họ đi khắp trong Nam ngoài Bắc với niềm đam mê khám phá cảnh đẹp và con người quê hương. Biết họ đi nhiều, hiểu rộng nhưng tôi vẫn mời họ về thăm quê tôi - làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để “khoe” về con người và một ngôi nhà cổ khá thú vị.

Ông Lương Khánh Học tiếp các vị khách nước ngoài đến thăm ngôi nhà cổ của mình.

Ngôi nhà ấm áp tình người

Sau khi đi một vòng thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, đôi vợ chồng Việt - Italia thốt lên trầm trồ bởi chưa từng thấy nơi nào có một bảo tàng thắm đượm tình yêu, tình người như thế. Họ đặc biệt ấn tượng với Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá “có một không hai”, nơi kể về lịch sử của làng nghề nhiếp ảnh độc đáo ở Việt Nam. Họ vô cùng thích thú khi được đưa đến thăm gia đình cụ Lương Khánh Học với ngôi nhà cổ độc đáo, khác biệt. Với họ, đây là “một gia đình đa văn hóa” đại diện cho văn hóa Việt Nam.

Giây phút gặp gỡ đầu tiên với chủ nhà - ông Lương Khánh Học, năm nay khoảng 85 - 86 tuổi, đã để lại cho các vị khách những ấn tượng mạnh mẽ. Họ bị lôi cuốn ngay từ ban đầu bởi sự niềm nở, hiếu khách của ông cụ tóc bạc, người thấp đậm. Ông Lương Khánh Học mời khách đứng xa cổng một chút để có thể ngắm nhìn và nghe ông giới thiệu về chiếc cổng đặc biệt của ngôi nhà. Phía trên cổng có hai chữ Hán lớn đắp bằng xi măng màu đen: “Hưng Long”. Ông Học giải thích rằng, mảnh đất này tổ tiên của ông để lại đã hơn 300 năm, còn ngôi nhà do chính tay ông gây dựng vào năm 1980. Hai chữ “Hưng Long” mang ý nghĩa “rồng đang khởi dậy”, tức là sự hưng thịnh đang đến, hay gia đình đang phát triển. Tiếp đó, hai vị khách lại được giảng giải về vế đối ở hai bên cổng: “Hương hỏa bách niên bằng hữu chủ/ Anh linh chung cổ tướng kỳ gia” (Đại ý: Nơi này đã trải qua bao thăng trầm vất vả mới có ngày hôm nay thịnh vượng/ Trên mảnh đất linh thiêng này đã có chủ).

Dẫn khách vào sân, ông chủ giới thiệu về bể nước mưa được xây kiểu cổ, dài, có vòm kín, lấy nước ở một đầu. Bể này đựng nước mưa với đường dẫn từ mái ngói. Vào những năm 1970 - 1980, chỉ những nhà khá giả ở nông thôn có nhà lợp ngói mới làm được bể nước. Đa phần các gia đình chỉ dùng chung nước giếng làng. Là người hay chữ, ông Học viết trên mặt chính bể nước ba chữ Hán lớn: “Thiên Hà Thủy”, nghĩa là “nước sông trên trời”. Ông nhấn mạnh: “Nước trời quý lắm, người ta chứa nước dự trữ quanh năm, chỉ dùng làm nước ăn, còn việc tắm giặt dùng nước giếng làng. Vào những năm 1980, các gia đình trong làng mới bắt đầu dùng giếng khoan, nhưng nước mưa vẫn được quý trọng”.

Căn nhà ông Học quay hướng nam, đón gió mát, nhìn ra khoảnh sân nhỏ lát gạch vuông vắn. Theo quan niệm tâm linh, người Việt không muốn cửa nhà bị nhìn thông thống nên những gia đình có điều kiện thường dựng một bức bình phong trước nhà. Ông Học cho xây một bức bình phong như thế ở gần cuối sân để ngăn ma quỷ và những điều xấu vào nhà. Ông cũng cho các vị khách biết triết lý về bạn bè của mình thông qua vế đối trên bức bình phong tự tay ông trang trí bằng mực và sơn: “Tam bôi trà cúc tam bôi túy/ Nhất thốn tương tư nhất thốn tình” (Đến với nhau ba chén trà cũng say sưa lưu luyến mãi/ Chỉ cần ba chén trà cúc và một phút gặp nhau đã để lại tình thân, lưu luyến mãi không quên). Vế đối thể hiện tấm lòng và sự hiếu khách của chủ nhà khiến các vị khách cảm nhận rõ sự gần gũi và ấm áp tình thân - một đặc trưng trong tính cách của người Việt.

Không gian đậm tính truyền thống

Mời khách vào nhà uống chén trà thơm, khi đã hiểu nhau hơn, ông Học lại giới thiệu không gian sinh hoạt và thờ cúng trong gia đình. Căn nhà một tầng hình chữ L này gồm ba gian xây theo cách truyền thống, và một gian nối thông với nhà chính để tiếp khách. Gian bên trái kê giường ngủ, gian giữa thờ gia tiên, gian bên phải là nơi gia chủ thờ kết hợp nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau.

Như bất cứ người Việt nào, thờ gia tiên là truyền thống bất di bất dịch của dân tộc. Ông Học họ Lương, dòng họ này có nhà thờ riêng của cả họ. Hơn nữa, còn một nhà thờ khác là nhà thờ Lương tướng công, một nhân vật không những được con cháu họ Lương mà tất cả dân làng cùng thờ. Nhà ông Học chỉ thờ những người theo trực hệ của mình. Trên cùng là bức hoành phi đề 3 chữ lớn: “Đức Ân Lưu” với ý nghĩa: Phải giữ gìn và vun trồng công đức. Trên ban thờ có ngai, ảnh thờ của các thế hệ trong gia đình.

Ông Học kể, ông nội, bố và chú của ông đều làm nghề thầy cúng. Các cụ để lại cho ông nhiều sách bằng chữ Nho. Với ông, đó là di sản quý của gia đình nên ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận. 

Bên cửa chính trong nhà còn có một bức hoành phi cũng do chủ nhà tự vẽ, trang trí một hình bát quái và 4 chữ “Hà đồ lạc thư”, thể hiện huyền thoại về những bản đồ đầu tiên trên lưng long mã và rùa, một tinh thần quan trọng về cơ sở cội nguồn của Kinh Dịch và Đạo giáo. Ông Học có thú khai bút đầu xuân. Năm nào cũng vậy, ông chọn ngày tốt, giờ tốt trong ngày mùng 1 hay mùng 2 Tết để khai bút bằng một bài thơ Hán Nôm với mong muốn một năm mọi việc hanh thông. Trên tường nhà ông nay còn dán nhiều bài thơ khai bút viết mực Tầu trên giấy dó. Ngoài hiên lại là một thế giới khác, một thế giới với những tư tưởng của Nho giáo/Khổng giáo và cũng là ước vọng của một con người thông qua những câu đối viết kín hàng cột hay khoảng tường đầu hồi.

Những câu chuyện, triết lý về cuộc sống, nhân tình thế thái hay những nét văn hóa bản địa được ông Lương Khánh Học chia sẻ với hai vị khách đặc biệt đã khiến họ hiểu thêm nhiều điều về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Các vị khách từ Italia chia sẻ: Ngôi nhà cổ của ông Lương Khánh Học quả thực là một “bảo tàng sống” về văn hóa Việt Nam, về sự hòa đồng giữa các tôn giáo và đặc biệt là sự gìn giữ di sản của quá khứ tiếp nối với dòng chảy của cuộc sống đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm ngôi nhà cổ ở làng Lai Xá